MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia người Nga nói về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia Arab. Ảnh: Reuters

Khủng hoảng Qatar là thất bại đầu tiên trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông

Hà Liên LDO | 19/06/2017 07:56
Theo chuyên gia người Nga Alexander Aksenenok thuộc Tổ chức Hội đồng quan hệ Quốc tế của Nga (RIAC), cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia Arab là thất bại đầu tiên trong chính sách của Washington ở khu vực Trung Đông.

Chuyên gia Alexander Aksenenok đã chỉ ra rằng, hiện nay một “xu hướng nguy hiểm” đang diễn ra ở khu vực Trung Đông. “Sự nguy hiểm của xu hướng này là các cường quốc không ở trong khu vực đang tăng cường việc trở thành người nắm giữ tham vọng lợi ích của các quốc gia tại đây. Trong những năm gần đây, vai trò của các cường quốc khu vực trong cuộc xung đột đã tăng lên đáng kể”, ông đề cập tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai.

Theo chuyên gia người Nga, khủng hoảng Qatar là “sự thất bại đầu tiên” trong chính sách của Washington ở Trung Đông và khu vực vùng Vịnh. “Đây là kết quả của việc các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đã tận dụng tình hình do Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra khi đưa ra các tuyên bố chống Iran ở Riyadh”, ông Alexander Aksenenok nói.

Ông cũng lưu ý rằng, trong tình huống này các đồng minh của Washington đã sử dụng chính sách ngoại giao của Mỹ để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. “Cuộc khủng hoảng không phục vụ các lợi ích của Mỹ. Đó là kết quả của việc chính quyền tổng thống Mỹ vẫn chưa quyết định chính sách với Trung Đông như thế nào. Hiện nay, họ đang học bằng cách thử nghiệm và sai sót”, ông nói.

Chuyên gia của Tổ chức Hội đồng quan hệ Quốc tế của Nga nhận định, đây là một việc nguy hiểm. “Nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục chính sách chống Iran có thể có hậu quả rất nguy hiểm, và nó ảnh hưởng tiêu cực tới việc giải quyết tình hình Syria, trong đó có nỗ lực của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về việc không leo thang quân sự”, ông chỉ ra.

Ông Alexander Aksenenok nói thêm: “Điều quan trọng là sự tham gia của Mỹ và Saudi Arabia vào những nỗ lực này. Bởi vì những nhà bảo trợ (Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) cho việc giải quyết tình hình Syria hiện tại có thể cần sự giúp đỡ dài hạn”.

Trước đó, ngày 5.6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cắt giao lưu đường bộ, đường không đường thủy với nước này vì cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Vài nước khác cũng tuyên bố cắt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar. Bộ Ngoại giao Qatar đã bác bỏ các cáo buộc can thiệp công việc nội bộ của các nước khác và lấy làm tiếc về quyết định của các quốc gia vùng Vịnh.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn