MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kịch bản giá dầu và khủng hoảng năng lượng

Song Minh LDO | 02/06/2022 08:02

Ngày 1.6, giá dầu tăng trong phiên giao dịch sớm ở Châu Á sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đồng ý với lệnh cấm một phần và theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga và Trung Quốc chấm dứt việc phong tỏa vì COVID-19 ở Thượng Hải.

Giá dầu tăng vì trừng phạt Nga

Theo Reuters, giá dầu Brent giao tháng 8 tăng 78 cent, tương đương 0,7% lên 116,38 USD/thùng lúc 00h37 GMT ngày 1.6. Giá dầu hợp đồng giao ngay cho tháng 7 ở mức 122,84 USD/thùng, tăng 1%. Dầu WTI tăng 63 cent, tương đương 0,6%, lên 115,30 USD/thùng. Cả hai chỉ số giá dầu Brent và WTI kết thúc tháng 5 đều cao hơn, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp tăng giá. Giá dầu thô đã tăng 60% trong năm nay do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Ngày 30.5, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu EU đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào khối này trước cuối năm nay. Nhập khẩu bằng đường biển - chiếm 2/3 tổng nguồn cung của EU từ Nga - sẽ ngừng ngay lập tức, 1/3 còn lại vận chuyển bằng đường ống Druzhba tạm thời chưa bị ảnh hưởng. Gói trừng phạt thứ sáu đánh dấu các biện pháp cứng rắn nhất mà EU áp đặt với Mátxcơva kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2. Sau khi được thông qua hoàn toàn, các biện pháp cắt giảm dầu thô sẽ được thực hiện dần trong hơn 6 tháng và đối với các sản phẩm tinh chế là 8 tháng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải vì COVID-19 đã kết thúc vào rạng sáng 1.6 khiến kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu tăng cao hơn từ nước này.

IEA cảnh báo về khủng hoảng năng lượng

Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, nói với nhật báo Đức Der Spiegel hôm 31.5 rằng thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn hơn nhiều so với những năm 1970. Theo ông Birol, hồi những năm 1970 chỉ là cuộc khủng hoảng dầu mỏ sau khi các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Arab xuất khẩu dầu mỏ tuyên bố ban hành lệnh cấm vận, hay nói cách khác là quyết định ngừng sản xuất dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể ở đây là Mỹ. “Nhưng bây giờ chúng ta có một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng khí đốt và một cuộc khủng hoảng điện" - ông Birol cho hay.

Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều khi thị trường lo ngại nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn, trong khi các chính phủ phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt với Mátxcơva. Việc EU đạt thỏa thuận cấm hầu hết nhập khẩu dầu của Nga sẽ thắt chặt hơn nữa thị trường sản phẩm và dầu thô vốn đã eo hẹp.

Theo giám đốc điều hành IEA, thế giới, đặc biệt là Châu Âu, có thể đối mặt với một mùa hè thiếu xăng, nhiên liệu và nhiên liệu máy bay.

Thị trường nhiên liệu ở Châu Âu cũng vô cùng khó khăn và dự kiến ​​sẽ thắt chặt hơn nữa sau lệnh cấm của EU đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Nga.

Khả năng thúc đẩy sản lượng

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được kỳ vọng là có thể thúc đẩy các nước thành viên tăng sản lượng dầu khi giá dầu vẫn ở mức cao để bù đắp cho dầu của Nga. Tờ Wall Street Journal đưa tin, nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) miễn trừ Nga khỏi các mục tiêu sản lượng khai thác do nhóm đặt ra, thì các nước thành viên còn lại - bao gồm cả Saudi Arabia và hàng chục quốc gia khác - có thể tăng sản lượng dầu của chính họ để bù đắp cho Nga. Theo Wall Street Journal, mặc dù OPEC vẫn chưa hướng tới việc tăng sản lượng một cách rõ ràng, nhưng một số nước Vùng Vịnh đã có kế hoạch tăng sản lượng trong vài tháng tới.

Kể từ năm ngoái, Mỹ đã thúc đẩy OPEC và các quốc gia sản xuất dầu lớn khác giảm giá dầu bằng cách tăng sản lượng. Liên minh OPEC+ sau đó đã đồng ý nâng dần các mục tiêu sản xuất hằng ngày, nhưng ở mức khiêm tốn khoảng 432.000 thùng/ngày kể từ ngày 1.5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn