MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bản đồ địa hình cho thấy các mỏm nhô lên (màu vàng đậm) và các khu vực trũng thấp nơi có nước đọng lại (màu trắng) trên miệng núi lửa ở sao Hỏa. Ảnh: NASA/Ben Boatwright.

Kiểu hồ miệng núi lửa cổ đại mới phát hiện trên sao Hỏa gây bối rối

Thanh Hà LDO | 02/04/2021 14:14
Một hồ miệng núi lửa cổ đại ở vùng cao nguyên phía nam của sao Hỏa dường như đã từng được lấp đầy bởi dòng chảy băng hà. Thông tin này củng cố giả thuyết rằng sao Hỏa từng lạnh và băng giá.

Một loại hồ miệng núi lửa cổ đại chưa từng được biết đến trước đây trên sao Hỏa được các nhà nghiên cứu Đại học Brown, Mỹ, phát hiện có thể tiết lộ manh mối về khí hậu sơ khai của hành tinh đỏ.

Nghiên cứu do nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brown Ben Boatwright làm trưởng nhóm được công bố trên Tạp chí Khoa học Hành tinh.

Mỏm nhô lên ở lòng miệng núi lửa trên sao Hỏa có thể được tạo ra từ dòng nước chảy của một sông băng đã biến mất từ lâu. Ảnh: NASA

Miệng núi lửa chưa được đặt tên trên sao Hỏa, theo các nhà nghiên cứu, có một số đặc điểm khó hiểu. Đáy của miệng núi lửa có bằng chứng địa chất không thể nhầm lẫn về các lòng suối và ao cổ. Tuy nhiên, không có bằng chứng về các kênh dẫn nước vào miệng núi lửa từ bên ngoài cũng như không có bằng chứng về hoạt động của nước ngầm.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, hệ thống này có khả năng được nuôi dưỡng bằng nước chảy từ một sông băng trên sao Hỏa đã biến mất từ lâu. Nước chảy vào miệng núi lửa trên đỉnh sông băng nên không để lại dấu vết kênh dẫn nước như khi chảy trực tiếp trên mặt đất. Nước cuối cùng chảy vào tầng thấp của miệng núi lửa và để lại dấu vết địa chất trên lớp đất trống trên sao Hỏa.

Đáng chú ý, hồ miệng núi lửa được mô tả trong nghiên cứu này hoàn toàn khác so với các hồ miệng núi lửa khác trên sao Hỏa như các miệng núi lửa Gale và Jezero - nơi các tàu thăm dò của NASA đang thám hiểm.

“Đây là một loại hệ thống thủy văn chưa từng được nhận thấy trước đây trên sao Hỏa. Cho đến nay, trong các hệ thống hồ đặc trưng, chúng tôi thấy bằng chứng về việc thoát nước bên ngoài miệng núi lửa, làm thủng thành miệng núi lửa và trong một số trường hợp chảy ra phía bên kia. Nhưng đó không phải là những gì diễn ra ở đây khi mọi thứ xảy ra bên trong miệng núi lửa và điều đó rất khác so với những gì được mô tả trước đây" - nhà nghiên cứu Ben Boatwright cho biết.

Các nhà nghiên cứu lập bản đồ nơi nước chảy và đọng lại trong lòng miệng núi lửa trên sao Hỏa. Ảnh: NASA/Benjamin Boatwright

Điều đáng chú ý, nghiên cứu sinh Đại học Brown lưu ý, miệng núi lửa cung cấp những manh mối chính về khí hậu ban đầu của sao Hỏa. Có những giả thuyết rằng khí hậu sao Hỏa từng ấm hơn và ẩm ướt hơn sự khô hạn mà hành tinh đỏ hiện có. Các mô phỏng khí hậu sao Hỏa thời kỳ đầu cho thấy nhiệt độ hiếm khi đạt đỉnh trên mức đóng băng, nhưng bằng chứng địa chất về tình trạng lạnh giá và băng giá thì rất ít. Và bằng chứng mới về sự băng hà cổ đại này có thể thay đổi hiểu biết về vấn đề này.

Nghiên cứu tiếp sau đó cũng chỉ ra rằng, miệng núi lửa này không phải là miệng núi lửa duy nhất thuộc loại này trên sao Hỏa. Tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng diễn ra trong tháng 3, nhà nghiên cứu Boatwright đã trình bày nghiên cứu tiết lộ, hơn 40 miệng núi lửa khác dường như có các đặc điểm liên quan.

Jim Head - giáo sư nghiên cứu Đại học Brown đồng thời là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của Boatwright - nhận định, những phát hiện mới này có thể rất quan trọng trong việc tìm hiểu khí hậu sơ khai của sao Hỏa.

“Chúng tôi có những mô hình này cho biết rằng ban đầu sao Hỏa rất lạnh và băng giá và giờ đây chúng ta có một số bằng chứng địa chất thực sự thuyết phục. Không chỉ vậy, miệng núi lửa này còn cung cấp các tiêu chí mà chúng tôi cần để bắt đầu tìm kiếm nhiều bằng chứng hơn nữa để kiểm tra giả thuyết này. Điều này thực sự rất thú vị” - Giáo sư Jim Head nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn