MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số miệng núi lửa sao Hỏa ở Arabia Terra do tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO của NASA chụp. Ảnh: NASA

Kinh ngạc núi lửa sao Hỏa "siêu phun trào" 500 triệu năm

Thanh Hà LDO | 16/09/2021 08:11
NASA tìm thấy bằng chứng núi lửa trên sao Hỏa ở khu vực Arabia Terra đã trải qua hàng nghìn "siêu phun trào" bạo lực nhất từng được biết đến.

Bức tranh sao Hỏa trong quá khứ, nơi có thể là địa ngục của đá nóng chảy, khí và tro bụi, đang được NASA phác họa lại. Các nhà khoa học NASA điều tra lịch sử của Arabia Terra -  khu vực ở phía bắc sao Hỏa - đã phát hiện ra khu vực này có thể là nơi xảy ra hàng nghìn vụ siêu phun trào núi lửa. 

Trong công bố ngày 15.9, NASA mô tả các vụ siêu phun trào là "mạnh đến mức chúng thải ra những biển bụi và khí độc vào không khí, ngăn ánh sáng mặt trời và thay đổi khí hậu của hành tinh trong nhiều thập kỷ". 

Bài báo đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters cung cấp bằng chứng cho thấy tại Arabia Terra đã xảy ra những vụ phun trào núi lửa kéo dài khoảng 500 triệu năm vào thời điểm 4 tỉ năm trước.

Theo NASA, một vụ siêu phun trào núi lửa sao Hỏa có thể làm nổ lượng đá và khí đốt tương đương 400 triệu bể bơi cỡ Olympic. Sau đợt siêu phun trào kỳ lạ và quy mô này, miệng núi lửa được hình thành.

Các nhà nghiên cứu NASA đã xem xét 7 miệng núi lửa ở Arabia Terra trên sao Hỏa. Sử dụng hình ảnh và dữ liệu từ tàu quỹ đạo sao Hỏa Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) của NASA, các nhà khoa học đã lần ra nơi tro bụi sẽ đáp xuống sau khi núi lửa phun trào và đã tìm thấy những mẫu tro bụi được bảo quản tốt, không bị gió, bụi sao Hỏa làm xáo trộn mà xếp lớp như khi mới phun trào.  

This browser does not support the video element.

Núi lửa sao Hỏa siêu phun trào được các nhà khoa học NASA xác nhận. Nguồn: NASA

Dữ liệu về lịch sử núi lửa của sao Hỏa sẽ khiến các nhà khoa học bận rộn khi tìm ra tác động của các vụ siêu phun trào có thể gây ra với khí hậu của hành tinh đỏ. Một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao Arabia Terra là nơi duy nhất trên sao Hỏa dường như có những siêu phun trào núi lửa này. 

Trên Trái đất, một số núi lửa có khả năng siêu phun trào phân tán trên toàn cầu và tồn tại ở cùng khu vực với các loại núi lửa khác. Vụ siêu phun trào gần đây nhất trên Trái đất xảy ra ở Sumatra, Indonesia, cách đây 76.000 năm.

Sao Hỏa cũng vậy, có rất nhiều loại núi lửa khác, trong đó hành tinh này có ngọn núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt trời là Olympus Mons. Olympus Mons lớn hơn 100 lần về thể tích so với Mauna Loa  - ngọn núi lửa lớn nhất Trái đất ở Hawaii. Cho đến nay, Arabia Terra là nơi duy nhất có bằng chứng về núi lửa phun trào trên sao Hỏa.

Nhà địa chất Jacob Richardson tại NASA Goddard hy vọng Arabia Terra sẽ cho các nhà khoa học điều gì đó mới mẻ về các quá trình địa chất giúp hình thành các hành tinh, trong đó có sao Hỏa, và các mặt trăng.

"Làm thế nào sao Hỏa có thể làm được điều đó? Làm thế nào một hành tinh nhỏ như vậy có thể làm tan chảy đủ đá để cung cấp năng lượng cho hàng nghìn vụ siêu phun trào tại một địa điểm? Tôi hy vọng những câu hỏi này mang lại nhiều nghiên cứu khác" - ông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn