MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine COVID-19 cho 67% dân số. Ảnh: Tân Hoa Xã

Kinh ngạc thành quả tiêm chủng ở Trung Quốc, sắp đạt miễn dịch cộng đồng

Phương Linh LDO | 08/09/2021 09:51

Trung Quốc đã tiêm chủng 2 liều đầy đủ cho 67% dân số với 2 tỉ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng.

Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng đưa tin, Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine COVID-19 cho 2/3 dân số trong cuộc chạy đua xây dựng hàng rào miễn dịch.

Theo công bố ngày 7.9 từ Cục Kiểm soát Dịch bệnh của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến ngày 6.9, khoảng 960 triệu người, tương đương 67% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tổng cộng, 2,11 tỉ liều vaccine đã được sử dụng, tương đương với 1,09 tỉ người, hay 77,6% dân số, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, Cục phó Wu Liangyou cho hay.

Ông Wu nói thêm: “Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi cũng đang tiến triển khá tốt, với 162,28 triệu liều đã được triển khai cho đến nay”.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng, trong đó có chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, từng nói rằng, phải có ít nhất 80% dân số được chủng ngừa để đạt được miễn dịch cộng đồng, khi đó các vụ bùng phát dịch trong cộng đồng sẽ hết sức hạn chế.

Trong khi Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, các biến thể của COVID-19 vẫn có thể gây ra mối đe dọa và các nhà phát triển vaccine trên khắp thế giới đang tìm cách điều chỉnh, cập nhật công thức vaccine vốn được phát triển dựa trên chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Y tế của NHC - Zheng Zhongwei - cho biết, Trung Quốc cũng đang  nghiên cứu để cập nhật vaccine ứng phó các biến thể mặc dù các đột biến trong virus SARS-CoV-2 cho đến nay tương đối ổn định và các vaccine COVID-19 hiện có vẫn hiệu quả đối với tất cả các biến thể.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê biến thể Mu, kí hiệu B.1.621, vào danh sách biến thể cần quan tâm.

Trong khi tỉ lệ lưu hành biến thể Mu trên toàn cầu chiếm 0,1% trong tổng số các ca nhiễm được giải trình tự, thì tại Ecuador và Colombia tỉ lệ này không ngừng tăng cao kể từ khi được phát hiện vào tháng 1.2021. Biến thể Mu có một số đột biến cho thấy, nó có khả năng kháng vaccine cao hơn, tuy nhiên, WHO lưu ý sẽ cần có thêm nghiên cứu để xác nhận chắc chắn.

Ông Zheng cho hay, các loại vaccine COVID-19 đã được cập nhật ở Trung Quốc còn cần phải được nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng trên người. Cơ quan quản lý đang soạn thảo hướng dẫn về việc xem xét và phê duyệt các loại vaccine chống biến thể.

Một số nhà phát triển vaccine bất hoạt đã tiến hành nghiên cứu vaccine chống các biến thể Gamma và Delta, hiện đã hoàn thành các nghiên cứu tiền lâm sàng và đã đăng ký thử nghiệm lâm sàng với Trung tâm Đánh giá Thuốc, ông Zheng thông tin.

Trung Quốc đã phê duyệt 3 loại vaccine COVID-19 bất hoạt để sử dụng có điều kiện và 2 loại khác để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Các nhà phát triển vaccine công nghệ vectơ adenovirus và vaccine nền tảng mRNA cũng đang nghiên cứu các mũi tiêm chống lại các biến thể Beta và Delta và đã hoàn thành các thử nghiệm về tính hiệu quả và an toàn trên động vật, ông Zheng nói thêm.

Ông nói: “Với những sự chuẩn bị như vậy, ngay cả khi một đột biến nghiêm trọng của virus có xảy ra trong tương lai và hoàn toàn thoát khỏi tác dụng phòng ngừa của các vaccine đang được sản xuất, chúng tôi vẫn sẽ có thể nhanh chóng phát triển và sản xuất vaccine mới trên quy mô lớn. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng''.

Theo quan chức NHC này, vaccine bất hoạt là loại được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc, và vẫn cho thấy hiệu quả tốt đối với biến thể Delta. Dữ liệu thực tế chỉ ra, vaccine bất hoạt có thể ngăn ngừa lây nhiễm biến thể Delta ở một mức độ nhất định, đạt được hiệu quả rõ ràng trong ngăn chặn lây truyền mầm bệnh sau khi nhiễm bệnh và có tác dụng đáng kể đối với ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng và tử vong, ngay cả khi "các biến thể, đặc biệt là biến thể Delta, đang lưu hành phổ biến".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn