MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Logo của TikTok trên màn hình điện thoại thông minh ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Kinh nghiệm chặn nội dung xấu, độc trên TikTok ở Singapore, Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 17/03/2023 10:54
Singapore có bộ quy tắc Internet mới yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Twitter chặn nội dung độc hại, trong khi Trung Quốc có những quy định nghiêm ngặt về nội dung chia sẻ, số giờ truy cập.

Luật ở Singapore

Năm 2022, Quốc hội Singapore thông qua luật vào ngày 9.11 yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Twitter chặn những nội dung độc hại "trong vòng vài giờ", Chanel News Asia thông tin.

Nếu nền tảng từ chối, Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm của Singapore (Infocomm Media Development Authority - IMDA) có thể chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet ngăn người dùng ở Singapore truy cập nội dung đó. 

Luật tăng cường an toàn trực tuyến được Quốc hội Singapore đưa ra ngày 3.10.2022 và thông qua ngày 9.11 cùng năm có tên đầy đủ là Online Safety (Miscellaneous Amendments) Bill.

Luật này trao quyền cho IMDA xử lý nội dung trực tuyến độc hại mà người dùng Singapore có thể truy cập, bất kể nội dung này lưu trữ và chia sẻ ở đâu.

Trước đó, các quy định liên quan tới vấn đề này trong Đạo luật Phát thanh của Singapore không áp dụng cho các thực thể hoạt động bên ngoài Singapore. 

Những nội dung xấu, độc được định nghĩa trong luật an toàn trực tuyến của Singapore bao gồm những nội dung ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, tự sát và tự làm hại bản thân, bạo lực thể chất hoặc tình dục và lạm dụng tình dục trẻ em.

Nội dung xấu độc cũng sẽ bao gồm những thông tin gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng hoặc những nội dung có khả năng gây ra sự bất hòa về chủng tộc và tôn giáo ở Singapore.

Logo tại Văn phòng Los Angeles của TikTok ở thành phố Culver, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Trong quá trình tranh luận, một số nghị sĩ của Singapore cũng đề xuất áp dụng "thời gian sử dụng thiết bị bắt buộc" đối với trẻ nhỏ liên quan tới các mạng xã hội.

Bộ luật mà Singapore thông qua năm 2022 đề xuất mức phạt tối đa 1 triệu đô la Singapore (khoảng 742.000 USD) với các nền tảng mạng xã hội không tuân thủ chặn quyền truy cập vào nội dung độc hại.

Ngoài luật mới, Singapore còn có các đạo luật khác điều chỉnh hoạt động của mạng xã hội như Đạo luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, Đạo luật đối phó can thiệp nước ngoài (FICA) và Đạo luật Bảo vệ khỏi các thông tin giả mạo và hành vi tác động trực tuyến (POFMA).

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Theo MIT Technology Review, ít nhất từ năm 2018, ByteDance (Trung Quốc) đã giới thiệu tính năng kiểm soát của phụ huynh trong ứng dụng Douyin (tức phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok), trong đó cấm người dùng chưa đủ tuổi xuất hiện trong các buổi phát trực tiếp và phát hành “chế độ dành cho thanh thiếu niên” chỉ hiển thị nội dung trong danh sách cho phép, giống như YouTube Kids. 

Năm 2019, Douyin giới hạn thời gian truy cập của người dùng ở chế độ thanh thiếu niên ở mức 40 phút mỗi ngày, chỉ có thể truy cập trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h hàng ngày.

Sau đó, năm 2021, người dùng dưới 14 tuổi bắt buộc sử dụng chế độ thanh thiếu niên khi truy cập Douyin. 

Nhiều biện pháp mà ByteDance áp dụng bên ngoài Trung Quốc với TikTok vốn đã được thử nghiệm tích cực ở Douyin.

Để đảm bảo rằng không có thanh thiếu niên nào ở Trung Quốc sử dụng tài khoản của cha mẹ để xem hoặc đăng lên Douyin, mọi tài khoản đều được liên kết với danh tính thực của người dùng và công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng để giám sát việc tạo nội dung phát trực tiếp. 

Về mặt nội dung, chế độ dành cho thanh thiếu niên của Douyin cấm hiển thị nhiều loại nội dung, bao gồm các video về trò chơi khăm, “mê tín dị đoan” hoặc “địa điểm giải trí” - những nơi như câu lạc bộ khiêu vũ hoặc karaoke mà thanh thiếu niên không được phép vào.

Các nước khác

Ngày 1.3 năm nay, TikTok thông báo đặt giới hạn thời gian mặc định là 60 phút mỗi ngày cho người dùng dưới 18 tuổi.

Những người dưới 13 tuổi sẽ cần cha mẹ nhập mã để có thêm 30 phút, trong khi những người từ 13 đến 18 tuổi có thể tự làm. 

Được biết, năm 2022, thanh thiếu niên dành trung bình 103 phút mỗi ngày cho TikTok, đánh bại Snapchat (72 phút) và YouTube (67 phút).

Ứng dụng do Công ty ByteDance phát triển cũng bị phát hiện quảng bá nội dung về rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân cho người dùng trẻ tuổi.

Tại Mỹ, một số thượng nghị sĩ đã thúc đẩy các dự luật hạn chế quyền truy cập của người dùng chưa đủ tuổi vào các ứng dụng như TikTok.

Tuần này, Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia mới nhất cấm ứng dụng video TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ.

Rất nhiều lệnh cấm tương tự đã được áp đặt ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Hạ viện Mỹ vào tháng 12.2022, trong khi Liên minh Châu Âu và Canada ra thông báo xóa hoàn toàn TikTok trên các thiết bị của chính phủ vào tháng trước.

Bỉ cũng công bố lệnh cấm vào tuần trước, trong khi Hà Lan, New Zealand đang xem xét động thái tương tự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn