MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động xây dựng của Qatar bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao. Ảnh: Reuters.

Kinh tế Qatar “thiệt đơn thiệt kép” vì khủng hoảng ngoại giao

Hà Liên LDO | 06/06/2017 14:26
Sau khi 7 quốc gia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, nền kinh tế và hơn 2 triệu người dân của quốc gia vùng vịnh này cũng bị ảnh hưởng khá lớn, nhất là trong các lĩnh vực hàng không, thực phẩm, xây dựng...

Qatar, quốc gia vùng Vịnh nằm ở phía đông bắc của bán đảo Arab, được nhớ tới thông qua nhiều “thương hiệu” nổi tiếng như hãng hàng không quốc gia Qatar Airways, các hoạt động thể thao đáng chú ý như từng là nhà tài trợ CLB bóng đá Barcelona và là nước đăng cai World Cup 2022...

Động thái mới nhất của các quốc gia thế giới Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Libya, Yemen và Cộng hòa Maldives được cho là sẽ tác động lớn tới nền kinh tế của Qatar. BBC đã có bài viết đánh giá về những tác động tới lĩnh vực hàng không, thực phẩm, xây dựng…

Đường bay thay đổi vì bị cô lập

Trong lĩnh vực hàng không, các hãng hàng không của các quốc gia trong khu vực như Etihad Airways, Emirates (UAE) đã ngưng các chuyến bay tới Doha từ ngày 6.6. Hai hãng này vốn có 4 chuyến bay hàng ngày tới Doha. 

Các hãng FlyDubai, Air Arabia của (UAE) và Gulf Air (Bahrain), Egyptair (Ai Cập) cũng đã hủy lộ trình tới Doha. Ngoài ra, các nước vùng Vịnh cũng đóng không phận với hãng hàng không quốc gia Qatar - Qatar Airways. Hàng chục chuyến bay mỗi ngày của hãng Qatar Airways đến các địa điểm như Dubai, Abu Dhabi, Riyadh và Cairo sẽ bị dừng lại. Điều này khiến Qatar Airways thiệt hại đáng kể. Hãng cũng đã thông báo hủy các chuyến bay của nước này tới Saudi Arabia.

Hãng Qatar Airways phải thay đổi lộ trình nhiều chuyến bay. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, việc bị cấm hoạt động ở không phận của nhiều nước trong khu vực vùng Vịnh khiến hãng hàng không của Qatar buộc phải thay đổi đường bay. Điều này chắc chắn khiến thời gian các chuyến bay tăng lên, tác động tới giá nhiên liệu vận hành.

Trong khi đó, Qatar Airways là một hãng hàng không lớn, với các chuyến bay kết nối Á - Âu từ thủ đô Doha. “Một chuyến bay tới châu Âu từng mất 6 tiếng nay có thể lên tới 8 hoặc 9 tiếng vì thay đổi đường bay”, Ghanem Nuseibeh, giám đốc công ty tư vấn Cornerstone Global nói.

Nguy cơ lạm phát, thiếu thực phẩm

Về thực phẩm, là quốc gia nằm ở sa mạc, vấn đề tự cung cấp thực phẩm là thử thách lớn với Qatar. An ninh lương thực của nước này được đảm bảo một phần là nhờ con đường bộ qua biên giới với Saudi Arabia. Hàng ngày, hàng trăm xe tải đi qua biên giới với Sadi Arabia, phần lớn để chở lương thực, thực phẩm. Khoảng 40% thực phẩm tới Qatar đều thông qua con đường này.

Việc Saudi Arabia đóng cửa biên giới sẽ buộc Qatar phải vận chuyển bằng đường không và đường biển. “Việc này ngay lập tức sẽ dẫn tới lạm phát và ảnh hưởng trực tiếp tới những người Qatar bình thường”, ông Nuseibeh nói. Ông cũng lo ngại về lâu dài việc này sẽ gây bất ổn trong xã hội, áp lực đòi hỏi thay đổi chính sách hoặc thay đổi lãnh đạo của Qatar.

Ông Nuseibeh chỉ ra rằng, nhiều người nghèo ở Qatar hàng ngày hoặc hàng tuần vẫn sang Saudi để mua thực phẩm rẻ hơn. Việc đóng cửa biên giới khiến những người này gặp nhiều khó khăn.

Khan hiếm vật liệu xây dựng

Các công trình phục vụ World Cup có khả năng bị ảnh hưởng tiến độ vì thiếu vật liệu. Ảnh: Reuters

Hoạt động xây dựng ở Qatar bị ảnh hưởng bởi việc giao thông bị cô lập. Một cảng mới, một khu vực chăm sóc y tế, một dự án metro và 8 sân vận động đang trong quá trình xây dựng để chuẩn bị cho World Cup 2022 đang được xây dựng ở Qatar. Nhưng những vật liệu chính là xi măng, thép được chở tới bằng đường biển và cập cảng ở Saudi Arabia. Do đó tương tự như thực phẩm, vật liệu xây dựng cũng sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm, giá cả bị đẩy lên cao dẫn tới việc xây dựng bị trì hoãn. Điều này sẽ đe dọa nền công nghiệp xây dựng của Qatar. Thêm vào đó, việc đóng cửa biên giới và không phận sẽ tác động xấu tới thời hạn hoàn thành, bàn giao các công trình của World Cup.

Thiếu nhân công

Cùng với việc chấm dứt quan hệ ngoại giao, các công dân từ Saudi, Ai Cập, Bahrain, UAE, Libya và Yemen đang đi du lịch, sinh sống và đi qua Qatar cũng bị ảnh hưởng. Người dân các nước này có 14 ngày để rời khỏi Qatar. Tương tự, người dân Qatar có thời gian tương tự để rời khỏi Saudi, UAE và Bahrain.

Theo một báo cáo mới đây, hiện có 180 nghìn người Ai Cập sống tại Qatar làm việc trong các lĩnh vực kỹ thuật, y tế và luật pháp cũng như xây dựng. Nếu Ai Cập ban hành lệnh tương tự, Qatar mất đi một lượng lớn nhân công và việc này có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp địa phương, quốc tế đang hoạt động ở quốc gia vùng Vịnh này.

Thương mại, kinh doanh

Căng thẳng ngoại giao cũng tác động tới thương mại và kinh doanh của Qatar. Trong bối cảnh những lo ngại về môi trường đầu tư, chỉ số cổ phiếu chính của Qatar giảm hơn 7%.

Những cửa hàng của các hãng bán lẻ có mặt ở Qatar gần như sẽ phải tạm thời đóng cửa. Thêm vào đó, đội bóng Al-Ahli của Saudi Arabi đã hủy thỏa thuận tài trợ với hãng Qatar Airways.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn