MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chỉ số chứng khoán toàn cầu sụt giảm vì lo ngại xung đột thương mại, Brexit. Ảnh: AP

Kinh tế toàn cầu tổn hại vì xung đột thương mại và Brexit

SONG MINH LDO | 04/09/2019 15:32

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt sụt giảm hôm 3.9 do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.2017 trong bối cảnh bất ổn chính trị khi Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo tổng tuyển cử sớm nếu các nghị sĩ Anh ngăn chặn Brexit không thoả thuận.

Cao trào mới xung đột thương mại Mỹ-Trung

Ngày 2.9, chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản MIAPJ0000PUS giảm 0.7%. Ấn Độ đóng cửa phiên giao dịch ngày 2.9 dẫn đầu tỉ lệ sụt giảm khi chỉ số BSESN giảm 1% sau dữ liệu tăng trưởng kinh tế tồi tệ hơn dự kiến vào cuối tuần trước. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đại lục giảm nhẹ trong khi chứng khoán Châu Âu Euro Stoxx 50 giảm 0.09%.

Cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị đẩy tới cao trào mới khi mức thuế nhập khẩu 15% của Mỹ áp lên 112 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1.9, trong khi Bắc Kinh cũng bắt đầu áp thuế mới với dầu thô, đậu nành và dược phẩm của Washington trong đợt áp thuế từ 5-10% lên 75 tỉ USD, chia thành 2 đợt, thực thi từ ngày 1.9 và 15.12.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump khẳng định hôm 2.9 rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ vẫn diễn ra trong tháng 9 như kế hoạch bất chấp việc cả 2 nước vừa bắt đầu đợt áp thuế mới lên hàng hoá của nhau, tuy nhiên viễn cảnh về một thoả thuận nhằm khép lại những bất đồng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất xem ra vẫn còn rất xa vời.

Tờ The Wall Street Journal nhận định, xung đột leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu, làm xói mòn lòng tin của các công ty Mỹ, các “ông lớn” công nghiệp Châu Á và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu ở Châu Âu. Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán, vòng đáp trả thuế quan mới nhất sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn không cho thấy có dấu hiệu nhượng bộ. Ngày 2.9, Trung Quốc tuyên bố đã gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO lần thứ 3, tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ kiện pháp lý chống lại chiêu bài áp thuế của Mỹ, cáo buộc Washington vi phạm đồng thuận mà các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã đạt được trong cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản.

Brexit ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ

Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh sụt xuống mức thấp nhất hôm 3.9, giảm 0.85%, với 1 bảng Anh đổi 1.2070USD. Đồng bảng Anh sụt giảm sau khi sản lượng của các nhà máy tại Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm, trước một kịch bản suy thoái Brexit.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 2.9 cảnh báo các nhà lập pháp rằng ông sẽ tìm kiếm một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 14.10 nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thoả thuận trong cuộc bỏ phiếu ngày 3.9. Nếu kịch bản này xảy ra, chính phủ sẽ lập tức trình lên Quốc hội yêu cầu tổng tuyển cử sớm và cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra 1 ngày sau đó, tức là ngày hôm nay (4.9).

“Tuỳ vào diễn tiến tiếp theo trên chính trường Anh, đồng bảng có thể giảm tiếp trong 1-2 tuần tới. Chúng tôi nghĩ rằng nó có thể giảm xuống mức 1 bảng Anh đổi 1.13USD trong tháng này” - ông Sumino Kamei, chiến lược gia cao cấp về tiền tệ tại ngân hàng MUFG nhận định.

Brexit không những phủ bóng lên nền kinh tế Anh mà cả bức tranh rộng hơn ở Châu Âu. Ngân hàng Trung ương Châu Âu dự kiến cắt giảm thêm lãi suất xuống mức âm trong tuần tới để giảm bớt sức ép lên đồng euro. Đồng tiền chung Châu Âu đã giảm 0.25% xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua với 1 euro đổi được 1.0939USD. Trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm giảm xuống mức - 0.919% hôm 2.9, gần chạm mức thấp kỷ lục là - 0.964% hồi đầu năm 2017.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, 1USD đổi được 7.1975 nhân dân tệ hôm 3.9, trong khi đồng đôla Australia giảm 0.15% so với USD.

Giá dầu cũng trồi sụt do lo ngại về cuộc chiến thương mại. Dầu ngọt nhẹ Texas WTI giảm 0.47% xuống còn 54.84USD/thùng. Chỉ số dầu Brent giảm 0.05% xuống 58.63 USD/thùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn