MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chở hàng tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch

Thanh Hà LDO | 19/04/2022 08:27

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 18.4. Con số này tốt hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế và đất nước đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất.

Bản chất của sự tăng trưởng

Phần lớn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được ghi nhận trong tháng 1 và tháng 2. Trong tháng 3, hoạt động kinh tế chậm lại khi Thâm Quyến - trung tâm công nghệ ở phía nam và sau đó là Thượng Hải - thành phố lớn nhất của đất nước, cùng với các trung tâm công nghiệp quan trọng khác đóng cửa.  

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, doanh số bán lẻ trong tháng 3 giảm 3,5% so với một năm trước. Sản lượng nhà máy của tháng 3 tăng 5%, chậm hơn so với tốc độ ghi nhận trong 2 tháng đầu năm. Nhập khẩu của Trung Quốc, vốn tăng trong 2 tháng đầu năm, đã giảm nhẹ trong tháng 3, một phần do vận chuyển gặp khó khăn. Tốc độ tăng chậm lại trong tháng 3 dự kiến tồi tệ hơn trong tháng 4, với nhiều khu vực bị áp đặt các biện pháp phong tỏa ngừa COVID-19, New York Times nhận định. 

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5,5%" trong năm nay. Cách đây một tuần, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi tinh thần cấp bách trong hạn chế các tác động của phong tỏa chống COVID-19 với kinh tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc hành động vào 15.4 để các ngân hàng thương mại có thể được vay nhiều hơn để thúc đẩy kinh tế.

“Nói về triển vọng tác động của đại dịch với Thượng Hải và Thâm Quyến, chúng ta không thể quên đó là những bộ phận quan trọng của toàn bộ chuỗi cung ứng và nó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc" - ông Yao Jingyuan, cựu kinh tế trưởng của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nêu trong cuộc họp báo tuần trước. Phát ngôn viên Fu Linghui của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cũng nhận định: “Với môi trường trong nước và quốc tế ngày càng trở nên phức tạp và không chắc chắn, sự phát triển kinh tế đang đối mặt với những khó khăn và thách thức đáng kể”.

AFP lưu ý, dữ liệu tăng trưởng không hoàn toàn phản ánh tác động sâu sắc của đợt phong tỏa ở Thượng Hải. Tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc vào đầu năm nay có cú hích từ chi tiêu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng việc hạn chế di chuyển đã xảy ra ở một số vùng của đất nước trong tháng 3, làm gián đoạn các doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng phải ở nhà. 

Trong những ngày gần đây, các nhà điều hành trong ngành công nghiệp ôtô và lĩnh vực công nghệ, 2 trong số những nguồn tạo việc làm lớn nhất của Trung Quốc, đã bắt đầu cảnh báo về việc gián đoạn hoạt động trên toàn quốc nếu các nơi, đặc biệt là Thượng Hải, không sớm mở lại. Thượng Hải sản xuất nhiều thành phần công nghệ cao rất quan trọng với nhiều chuỗi cung ứng. “Thượng Hải là trung tâm của các công ty ôtô quốc tế - nếu trung tâm gặp lỗi, toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động" - Cui Dongshu - Tổng Thư ký Hiệp hội Xe khách Trung Quốc nói. 

Tỉ trọng Kinh tế địa phương suy giảm

Theo Gavekal Dragonomics - công ty nghiên cứu kinh tế độc lập đã theo dõi các đợt phong tỏa - đến ngày 11.4, 87 trong số 100 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã áp đặt một số hình thức hạn chế di chuyển. Quy định dao động từ giới hạn những người có thể vào hoặc rời thành phố đến phong tỏa hoàn toàn như ở Thượng Hải. Yang Degang, giám đốc của một nhà máy sản xuất máy đúc nhựa ở Trương Gia Cảng, cách Thượng Hải 70km, đã buộc phải tạm dừng hoạt động sau khi đô thị này áp đặt lệnh phong tỏa ngày 13.4.

Theo Gavekal, từ cuối tháng 3 đến hết 13.4, số lượng các thành phố lớn phong tỏa nghiêm trọng đã giảm từ 14 xuống còn 6 thành phố. Tỉ trọng sản lượng kinh tế của Trung Quốc mà những thành phố này đại diện đã giảm từ 14% xuống còn 8%. Bắc Kinh đã lệnh cho các chính quyền địa phương giúp xe tải vào được điểm đến và thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nền kinh tế khỏi bị tổn hại trong thời gian phong tỏa.

Với thế giới, việc phong tỏa ngừa COVID-19 của Trung Quốc có thể gây lạm phát bởi tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng mà nhiều nhà sản xuất phụ thuộc, đẩy chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa lên cao. Việc tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại cũng khiến nước này nhập khẩu ít hơn từ các quốc gia khác từ tài nguyên thiên nhiên tới hàng tiêu dùng.

Khi các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc làm gián đoạn sản xuất, ít nhất một số nhà nhập khẩu phương Tây đang bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn