MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh tế Việt Nam được dự báo lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 nhờ xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Kinh tế Việt Nam được dự báo lấy lại đà phục hồi trong năm 2022

Song Minh LDO | 07/02/2022 10:38

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings vừa công bố báo cáo nhận định kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi vào năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi và hoạt động xuất khẩu vẫn tăng mạnh.

Kỳ vọng tăng trưởng 7,9%

Theo Fitch Ratings, cải thiện tốc độ tiêm chủng sẽ làm giảm nguy cơ các đợt bùng phát COVID-19 mới kéo lùi đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, Fitch Ratings lưu ý, diễn biến của đại dịch vẫn chưa chắc chắn, đặc biệt là số ca mắc mới hằng ngày có xu hướng cao hơn trong những tháng gần đây.

Fitch Ratings cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam ở mức 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức 7% mà tổ chức này dự báo vào tháng 4.2021, khi khẳng định xếp hạng của Việt Nam ở mức "BB" và sửa đổi triển vọng từ "ổn định" thành "tích cực". Điều này phần nào phản ánh GDP thực tế quý III/2021 sụt giảm 6% so với cùng kỳ do chính quyền kiểm soát sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19. Các “cú sốc” khác liên quan đến đại dịch khó có thể trở nên quá nghiêm trọng vì chính phủ đã chuyển từ cách tiếp cận “zero COVID-19” sang trạng thái thích ứng linh hoạt khi tỉ lệ tiêm chủng tăng lên.

Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng lên 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 khi sự phục hồi được thiết lập. Điều này phần nào phản ánh mức tăng trưởng thấp vào năm 2021. Việt Nam cũng ít bị tổn thương về kinh tế hơn so với nhiều thị trường mới nổi, vì đây là một trong số ít các quốc gia không bị sụt giảm GDP hằng năm do cú sốc đại dịch.

Tăng trưởng nhờ xuất khẩu

Theo Fitch Ratings, tăng trưởng của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi xuất khẩu, vốn đã tăng 19% vào năm 2021 tính theo USD. Hãng tín nhiệm dự báo tăng trưởng nhu cầu hàng hóa sẽ giảm tốc ở các nước phát triển vào năm 2022 khi hoạt động bình thường hóa và nhu cầu dịch vụ tăng lên. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam vẫn vượt trội trong khu vực nhờ hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí, sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và một loạt các hiệp định thương mại quan trọng.

Sự gián đoạn nguồn cung tạm thời trong quý III/2021 dường như không làm suy yếu sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài liên quan đến xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh trong năm 2021, ở mức 19,7 tỉ USD, chỉ giảm nhẹ so với 20 tỉ USD vào năm 2020. Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ mà Fitch Ratings kỳ vọng trong năm 2022-2023 được cho là sẽ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước, thông qua hiệu ứng lan toả tích cực, chẳng hạn từ việc tạo thêm công ăn việc làm.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người và mức trung bình của nhóm đồng cấp "BB" ngày càng mở rộng. Dự báo cơ bản của Fitch Ratings về tốc độ tăng trưởng nhanh trở lại, cùng với sự tăng giá của đồng tiền Việt Nam, có nghĩa là khoảng cách với các nước có cùng xếp hạng sẽ bắt đầu thu hẹp trở lại vào năm 2022-2023. Hồi tháng 4.2021, Fitch Ratings cho biết có thể nâng xếp hạng của Việt Nam sau khi ghi nhận mức tăng trưởng cao, chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước khác thu hẹp, cũng như kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định.

Dự báo hiện tại của Fitch Ratings cho thấy tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam nhìn chung ổn định trong giai đoạn 2022-2023, ở mức khoảng 41% GDP. Kể từ dự báo nói trên, chính phủ đã phê duyệt gói kích thích tài khóa trong giai đoạn này, trị giá khoảng 15,3 tỉ USD (khoảng 4% GDP năm 2021), nhưng mức nợ/GDP của Việt Nam sẽ vẫn dưới mức trung bình của các nước cùng xếp hạng là 56,6% vào năm 2022 và 56% vào năm 2023. Theo quan điểm của Fitch Ratings, gói phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục miễn giảm thuế do đó ảnh hưởng đến nguồn thu cơ sở, nhưng những khoản hỗ trợ này có thể bị rút lại khi nền kinh tế phục hồi rõ ràng hơn. Việc bổ sung chi tiêu cho cơ sở hạ tầng có thể giúp củng cố triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam đã tăng vào năm 2021 trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị gián đoạn do các nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trở lại sẽ giảm thiểu rủi ro đối với chất lượng tài sản, nhưng tốc độ tích lũy vốn của ngân hàng sẽ duy trì ở mức khiêm tốn trong giai đoạn 2022-2023. Vào tháng 4.2021, Fitch Ratings cho biết, việc giảm thiểu rủi ro đối với bảng cân đối kế toán quốc gia do những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng có thể giúp Việt Nam được nâng hạng về xếp hạng tín nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn