MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phi hành gia từng đến kính viễn vọng không gian Hubble để sửa chữa và bảo dưỡng 5 lần. Ảnh: NASA

Kính thiên văn Hubble lại gặp sự cố bí ẩn, nghiêm trọng hơn lần trước

Hải Anh LDO | 03/11/2021 08:45

Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đang gặp sự cố bí ẩn mới. Hiện tại, Hubble tạm ngừng hoạt động và ở "chế độ an toàn" trong khoảng 1 tuần.

Sự cố mới sau 4 tháng "hồi sinh"

Các thiết bị khoa học của Hubble đã ngừng hoạt động một cách an toàn sau nhiều lần thất bại trong việc liên lạc với nhau.

Các kỹ sư NASA đang phân tích dữ liệu từ thiết bị vũ trụ để nghiên cứu vấn đề này nhưng cho tới nay có rất ít thông tin về sự cố bí ẩn mới nhất của kính viễn vọng không gian Hubble, theo Insider. 

Tinh vân N44 rộng khoảng 250 năm ánh sáng do kính viễn vọng không gian Hubble chụp. Ảnh: NASA

Người phát ngôn của NASA cho hay, còn "quá sớm trong cuộc điều tra" để kết luận nguyên nhân gây ra sự cố cũng như cách khắc phục sự cố hoặc khi nào Hubble có thể hoạt động trở lại.

Đây không phải lần đầu tiên Hubble tạm ngừng hoạt động trong năm nay. Kính viễn vọng lớn và mạnh nhất từng được phóng cho tới hiện tại đã trải qua gần 5 tuần ở chế độ an toàn sau khi máy tính tải trọng đột ngột ngừng hoạt động ngày 13.6.

Kính viễn vọng không gian Hubble được triển khai ngày 25.4.1990 từ tàu con thoi Discovery. Ảnh: NASA

Các kỹ sư NASA sau đó "hồi sinh" Hubble vào tháng 7 bằng cách kích hoạt một số phần cứng dự phòng. Đây là một thao tác phức tạp, rủi ro với nguy cơ gây ra sự cố mới nếu triển khai không chính xác.

Hiện tại, sau 4 tháng hoạt động trở lại, kính viễn vọng không gian Hubble lại phải tạm ngừng hoạt động. 

Hubble là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới. Thiết bị vũ trụ này đã chụp ảnh sự ra đời và cái chết của những ngôi sao, phát hiện các mặt trăng mới quay quanh sao Diêm Vương và theo dõi 2 vật thể liên sao di chuyển qua Hệ Mặt trời. 

Những quan sát của Hubble giúp các nhà thiên văn tính toán tuổi, sự mở rộng của vũ trụ cũng như xem xét những thiên hà hình thành ngay sau vụ nổ Big Bang. Tuy nhiên, Hubble đã được đưa lên quỹ đạo Trái đất từ năm 1990 và đang trở nên "già nua". 

Paul Hertz, giám đốc bộ phận vật lý thiên văn của NASA, chia sẻ vào tháng 7 rằng: "Nguyên nhân của vấn đề có thể liên quan đến tuổi của Hubble không? Câu trả lời gần như chắc chắn là có. Một ngày nào đó, một thành phần nào đó sẽ ngẫu nhiên bị lỗi mà chúng ta không có bản dự phòng. Đó rất có thể là cách sứ mệnh Hubble kết thúc". 

Nghiêm trọng hơn sự cố trước đó

Tín hiệu đầu tiên về sự cố mới của Hubble xuất hiện lúc 1h46 ngày 23.10, khi các thiết bị khoa học của Hubble gửi về mã lỗi. Mã gửi về mất một thông báo đồng bộ hóa vốn cung cấp cho các công cụ thông tin thời gian để có thể phản hồi các lệnh và thu thập dữ liệu chính xác.

Nhóm Hubble đã khởi động lại các thiết bị đó và kính thiên văn tiếp tục hoạt động khoa học vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, đến 25.10, các công cụ khoa học của Hubble gửi lại nhiều mã lỗi hơn cho thấy việc mất một số thông báo đồng bộ hóa. Các công cụ tự động chuyển sang chế độ an toàn. 

"Nhóm vẫn đang làm việc để xác định vấn đề. Họ đang xem xét các tài liệu thiết kế phần cứng, phần mềm và thu thập thêm dữ liệu từ thiết bị vũ trụ để giúp chẩn đoán sự cố" - phát ngôn viên NASA thông tin. 

Kính viễn vọng không gian Hubble trong quỹ đạo Trái đất. Ảnh: NASA

Hồi tháng 6, khi máy tính tải trọng bị lỗi, các kỹ sư NASA có thể nhanh chóng khoanh vùng nguyên nhân vì vấn đề liên quan tới một số hệ thống. Lần này, phạm vi phải xác định rộng hơn nhiều. Nhóm Hubble của NASA đang điều tra tất cả các hệ thống liên hệ với các công cụ khoa học và tất cả các hệ thống liên quan đến thông báo đồng bộ hóa.

“Hubble đã thực sự thay đổi cách chúng ta quan sát vũ trụ và vẫn là kính thiên văn được đề nghị nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Vì vậy, các nhà khoa học vẫn chưa hết việc phải làm với nó, đó là lý do chúng tôi tiếp tục làm việc chăm chỉ để đưa nó trở lại hoạt động khoa học, để có thể tiếp tục có những khám phá vũ trụ tuyệt vời" - ông Hertz nói hồi tháng 7. 

"Cú đấm kép"

NASA đang chuẩn bị phóng đài quan sát mới quanh Trái đất: Kính viễn vọng không gian James Webb, vào tháng 12. Kính viễn vọng này được đặt mục tiêu cách mạng hóa thiên văn học, quan sát sâu thẳm vũ trụ với độ chính xác chưa từng có bằng ánh sáng hồng ngoại. Tuy nhiên, James Webb không phải là sự thay thế cho Hubble. Trên thực tế, 2 kính viễn vọng này phải cộng tác. 

Một số nhiệm vụ đầu tiên của kính thiên văn Webb là nghiên cứu những thiên thể mà Hubble đã phát hiện ra. Sau đó, khi James Webb bắt đầu triển khai các khám phá vũ trụ riêng, NASA hy vọng sẽ theo dõi song song bằng Hubble. “Điều mà các nhà thiên văn học thực sự mong đợi là "cú đấm kép" từ sự kết hợp của Hubble-Webb" - giám đốc bộ phận vật lý thiên văn của NASA chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn