MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kính thiên văn FAST của Trung Quốc ở tỉnh Quý Châu. Ảnh: Xinhua

Kính thiên văn khổng lồ của Trung Quốc ghi dấu kỷ lục mới

Khánh Minh LDO | 18/04/2024 16:16

Kính thiên văn một đĩa lớn nhất thế giới của Trung Quốc phát hiện hơn 900 sao xung mới.

Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) của Trung Quốc - kính viễn vọng vô tuyến một đĩa lớn nhất thế giới - đã xác định được hơn 900 sao xung mới kể từ khi ra mắt vào năm 2016, Tân Hoa Xã đưa tin.

Sao xung (hay pulsar) là các sao neutron xoay rất nhanh, nó biểu hiện như một nguồn sóng radio, được phát ra đều đặn ở các chu kì ngắn. Cường độ bức xạ thay đổi theo một chu kì đều, điều này chỉ ra chuyển động xoay của ngôi sao.

Sao neutron xoay nhanh đến mức lực li tâm làm biến dạng bức xạ của sao thành hình nón đôi, với đỉnh chung ở tâm sao. Bức xạ hình nón này xoay tròn và chỉ quét qua một phần không gian vũ trụ, bởi thế không phải sao xung nào cũng thấy được, kể cả khi nó ở rất gần Trái đất.

Han Jinlin - nhà khoa học tại Đài quan sát thiên văn quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NAOC) - cho biết các sao xung bao gồm hơn 120 sao xung đôi, hơn 170 sao xung có chu kỳ mili giây và 80 sao xung mờ và không liên tục.

Han nói thêm rằng trong hơn 50 năm qua kể từ khi phát hiện ra sao xung đầu tiên, chưa đến 3.000 sao xung được phát hiện trên toàn thế giới và số lượng sao xung mới được FAST phát hiện nhiều gấp hơn ba lần tổng số sao xung được kính thiên văn nước ngoài tìm thấy trong cùng thời kỳ.

Han cho biết: “Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu tàn dư dày đặc của các ngôi sao chết trong Dải Ngân hà và đặc điểm bức xạ của chúng”.

Quan sát sao xung là một nhiệm vụ quan trọng của FAST, nhiệm vụ này có thể được sử dụng để xác nhận sự tồn tại của bức xạ hấp dẫn và lỗ đen, đồng thời giúp tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi lớn khác trong vật lý.

Jiang Peng, kỹ sư trưởng của FAST, cho biết tất cả nhân viên đều nỗ lực hết sức để cải thiện hiệu suất của kính thiên văn. Hiện tại, thời gian quan sát hàng năm của kính thiên văn là khoảng 5.300 giờ và nó đóng vai trò quan trọng trong việc liên tục thiết lập các thành tựu nghiên cứu khoa học.

Nằm trong vùng trũng núi đá vôi sâu và tròn ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, FAST bắt đầu hoạt động chính thức vào tháng 1.2020. Nó được cho là kính viễn vọng vô tuyến nhạy nhất thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn