MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ánh sáng rực rỡ của hai chuẩn tinh nằm trong lõi của hai thiên hà đang trong quá trình hợp nhất. Ảnh: NASA

Kính viễn vọng của NASA phát hiện điều kinh ngạc trong vũ trụ

Song Minh LDO | 07/04/2021 15:05
Kính viễn vọng Hubble của NASA chụp được một cặp chuẩn tinh gần nhau đến mức trông giống như một vật thể duy nhất trong các bức ảnh chụp bằng kính thiên văn trên mặt đất.

Theo trang Phys.org, các nhà nghiên cứu tin rằng các chuẩn tinh rất gần nhau vì chúng nằm trong lõi của hai thiên hà hợp nhất. Nhóm tiếp tục tìm kiếm và đã thấy một cặp chuẩn tinh nữa trong bộ đôi thiên hà va chạm khác.

Chuẩn tinh là thiên thể cực xa và cực sáng, với dịch chuyển đỏ rất lớn đặc trưng. Trong phần ánh sáng biểu kiến, chuẩn tinh trông giống một ngôi sao bình thường, tức nguồn phát sáng điểm. Thực tế, đó là ánh sáng phát ra từ các quầng vật chất đặc, nằm quanh vùng nhân của các thiên hà hoạt động, thường là các hố đen siêu lớn.

Hai hình ảnh của kính viễn vọng không gian Hubble tiết lộ hai cặp chuẩn tinh đã tồn tại cách đây 10 tỉ năm và nằm ở trung tâm của các thiên hà hợp nhất. Ảnh: NASA

"Chúng tôi ước tính rằng trong vũ trụ xa xôi, cứ 1.000 chuẩn tinh thì có một chuẩn tinh kép. Vì vậy, việc tìm kiếm những chuẩn tinh kép này giống như mò kim đáy bể" - nhà nghiên cứu Yue Shen thuộc Đại học Illinois tại Urbana-Champaign nói.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc phát hiện ra bốn chuẩn tinh này cung cấp một phương pháp mới để khám phá sự va chạm giữa các thiên hà và sự hợp nhất của các hố đen siêu lớn trong vũ trụ sơ khai.

Chuẩn tinh nằm rải rác trên bầu trời và có nhiều nhất cách đây 10 tỉ năm. Đã có rất nhiều vụ sáp nhập thiên hà vào thời điểm đó, do vậy các nhà thiên văn học đưa ra giả thuyết lẽ ra phải có nhiều chuẩn tinh kép trong thời gian này.

"Đây thực sự là mẫu chuẩn tinh kép đầu tiên ở kỷ nguyên cực đại của sự hình thành thiên hà mà chúng ta có thể sử dụng để khám phá ý tưởng về cách các hố đen siêu lớn kết hợp với nhau để cuối cùng tạo thành một cặp" - thành viên nhóm nghiên cứu Nadia Zakamska thuộc Đại học Johns Hopkins ở thành phố Baltimore, Maryland, cho hay.

Kết quả của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy ngày 1.4.

This browser does not support the video element.

Mô phỏng này cho thấy ánh sáng nhấp nháy rực rỡ từ một cặp chuẩn tinh. Nguồn: NASA

Theo các nhà nghiên cứu, các quan sát này rất quan trọng vì vai trò của chuẩn tinh trong các cuộc chạm trán với thiên hà đóng một phần quan trọng trong quá trình hình thành thiên hà.

“Chuẩn tinh có tác động sâu sắc đến sự hình thành thiên hà trong vũ trụ. Việc tìm kiếm chuẩn tinh kép ở kỷ nguyên đầu tiên này là rất quan trọng vì giờ đây chúng ta có thể kiểm tra những ý tưởng lâu đời của mình về cách các hố đen và thiên hà chủ của chúng tiến hóa cùng nhau" - Zakamska nói.

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra hơn 100 chuẩn tinh kép trong các thiên hà hợp nhất cho đến nay. Tuy nhiên, không có cái nào trong số chúng lâu đời bằng hai chuẩn tinh kép trong nghiên cứu này.

Hình ảnh Hubble cho thấy các chuẩn tinh trong mỗi cặp chỉ cách nhau khoảng 10.000 năm ánh sáng. Để so sánh, mặt trời của chúng ta cách hố đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà 26.000 năm ánh sáng.

Các cặp thiên hà chủ cuối cùng sẽ hợp nhất, và sau đó các chuẩn tinh cũng sẽ kết hợp lại, tạo ra một hố đen đơn độc thậm chí còn khổng lồ hơn.

Tìm chúng không dễ dàng. Hubble là kính thiên văn duy nhất có tầm nhìn đủ sắc nét để nhìn lại vũ trụ sơ khai và phân biệt hai chuẩn tinh cách cực xa trái đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn