MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kính viễn vọng Khảo sát Trường Rộng (WFST) của Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình

Kính viễn vọng triệu USD của Trung Quốc tung ảnh rõ nét về thiên hà Tiên Nữ

Thanh Hà LDO | 18/09/2023 16:51

Kính viễn vọng Khảo sát trường rộng (WFST) của Trung Quốc đã đi vào hoạt động ở tỉnh Thanh Hải sau một tháng vận hành thử nghiệm.

Kính viễn vọng trường rộng WFST của Trung Quốc - có khả năng khảo sát toàn bộ bầu trời Bắc bán cầu - đã công bố hình ảnh đầu tiên quan sát được về thiên hà Andromeda (thiên hà Tiên Nữ).

Theo đài CGTN, việc công bố bức ảnh này cũng đánh dấu việc kính viễn vọng của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn thiết kế dành cho nghiên cứu thiên văn.

Bức ảnh thiên hà Tiên Nữ vừa công bố là hình ảnh có độ phân giải cao nhất của thiên hà này, với góc quan sát rộng nhất thế giới.

Kính viễn vọng trường rộng của Trung Quốc đã chụp 150 bức ảnh phơi sáng 30 giây để tạo ra hình ảnh của thiên hà Tiên Nữ cách Trái đất 2,5 triệu năm ánh sáng.

Với đường kính 2,5m, kính viễn vọng WFST hiện là cơ sở khảo sát miền thời gian (time domain) lớn nhất ở Bắc bán cầu.

WFST do Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đài thiên văn Tử Sơn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển.

Kính viễn vọng này có thể giúp các nhà khoa học theo dõi những sự kiện thiên văn mang tính chất động và thực hiện nghiên cứu quan sát thiên văn.

Thiên hà Tiên Nữ chụp bằng kính viễn vọng WFST. Ảnh: WFST

“Sau khi WFST đi vào hoạt động đầy đủ, chúng tôi có thể sử dụng WFST để phát hiện một số tín hiệu thiên thể rất mờ và xa, bao gồm tín hiệu từ những thiên hà xa xôi và các cụm thiên hà bên ngoài Dải Ngân hà” - Lou Zheng, kỹ sư trưởng của Đài thiên văn Thanh Hải, cho biết.

Kong Xu - nhà thiết kế chính của dự án tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc - nhận định, WFST sẽ trở thành kính viễn vọng khảo sát bầu trời mạnh nhất ở Bắc bán cầu: “Việc sử dụng WFST sẽ cải thiện đáng kể khả năng của Trung Quốc trong giám sát và cảnh báo sớm vật thể gần Trái đất".

Năm 2022, kính viễn vọng WFST được đặt biệt danh theo tên nhà triết học Trung Quốc cổ đại Mặc Tử, hay Micius. Mặc Tử được cho là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc tiến hành các thí nghiệm quang học.

Việc xây dựng dự án kính viễn vọng WFST bắt đầu vào tháng 7.2019 tại thị trấn Lãnh Hồ, nơi có độ cao trung bình khoảng 4.000m. Lãnh Hồ được gọi là "Trại sao Hỏa" của Trung Quốc do có cảnh quan sa mạc độc đáo như bề mặt của hành tinh đỏ.

Lợi thế của khu vực Lãnh Hồ là bầu trời đêm cao nguyên trong trẻo, điều kiện khí quyển ổn định, khí hậu khô và ít ô nhiễm ánh sáng nhân tạo. Điều này đồng nghĩa khu vực này có tiềm năng trở thành một trong những địa điểm ngắm sao tốt nhất ở lục địa Á - Âu.

Kể từ năm 2020, Lãnh Hồ thu hút 11 tổ chức nghiên cứu khoa học và 12 dự án kính viễn vọng, với tổng vốn đầu tư 2,7 tỉ nhân dân tệ (khoảng 370 triệu USD).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn