MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: GETTY IMAGES

Kỷ nguyên Merkel chấm dứt để lại thách thức lớn cho Đức và EU

NGỌC VÂN LDO | 31/10/2018 08:41

Bà Angela Merkel bắt đầu giữ chức Thủ tướng Đức vào năm 2005 cùng thời điểm Tổng thống George W. Bush là ông chủ Nhà Trắng, ông Tony Blair là Thủ tướng Anh và Điện Elysee là của Tổng thống Jacques Chiraq. 13 năm sau, vào ngày 29.10, bà Angela Merkel tuyên bố bà sẽ không tái tranh cử chức chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà, chấm dứt thời đại bà chi phối chính trị Đức và Châu Âu.

Không bất ngờ

Quyết định của bà Merkel được đưa ra sau kết quả bầu cử tệ hại bắt đầu từ cuộc bầu cử liên bang năm ngoái, khi số phiếu dành cho CDU sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949.

Kết quả các cuộc bầu cử địa phương ở Bavaria và Hesse trong tuần này - khi CDU giảm 11 điểm xuống còn 27% và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - liên minh trong chính phủ của bà Merkel cũng nhận kết quả tệ hại, chỉ giành khoảng 20%, kém 10% so với kỳ bầu cử 5 năm trước - càng làm suy yếu hơn nữa nữ Thủ tướng. Bên cạnh đó, với lo ngại ngày càng tăng về sự trỗi dậy của đảng cực hữu non trẻ AfD (Con đường khác cho nước Đức), liên minh cầm quyền ở Berlin thiếu những ý tưởng táo bạo, rõ ràng và sự can đảm để thực hiện chúng.

Trong bối cảnh này, động thái của bà Merkel không hoàn toàn bất ngờ. Bà đã quyết định tiếp tục lãnh đạo sau những kết quả bầu cử dù không hoàn toàn là thảm hoạ nhưng tồi tệ, sẽ có hại nhiều hơn có lợi, và sẽ tốt hơn nếu bà rút lui khỏi sân khấu chính trị.

Giữ chức Chủ tịch CDU từ năm 2000 và Thủ tướng Đức từ năm 2005, bà Merkel luôn giữ vị trí số 1 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Nhưng nhiều người cho rằng, chính sách mở cửa cho người nhập cư vào Châu Âu của bà Merkel năm 2015, dù giúp bà trở thành nhân vật của năm trên tạp chí Time, lại chính là nhân tố quan trọng dẫn đến những thất bại chính trị của bà vào thời điểm này.

Ở trong nước, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu bà Merkel có thể xoay xở để ra đi suôn sẻ hay không. Về lý thuyết, việc bà thông báo không ra tái tranh cử Chủ tịch CDU tại hội nghị đảng vào tháng 12 tới nhưng vẫn giữ chức Thủ tướng sẽ cho phép Chủ tịch mới của CDU xây dựng một hồ sơ bầu cử mạnh mẽ trước năm 2021.

Nhưng các sự kiện khác cũng có thể can thiệp vào quá trình này. Bà Merkel chịu áp lực nặng nề từ các đối tác SPD để mang lại nhiều kết quả chính sách hơn. SPD - với tỉ lệ phiếu bầu giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại - có thể rút khỏi chính phủ liên minh vào năm tới. Điều đó sẽ kích hoạt các cuộc bầu cử liên bang và bà Merkel có thể rời ghế thủ tướng sớm hơn trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2021.

Thách thức với Châu Âu

Bà Merkel được xem là một biểu tượng của sự ổn định và liên tục. Kế hoạch ra đi của nhà lãnh đạo thực tế của Liên minh Châu Âu EU trước cuộc bầu cử liên bang Đức dự kiến vào năm 2021 diễn ra khi sự ổn định chính trị và sự đồng thuận của lục địa già được cho là có nguy cơ cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi kết thúc Thế chiến 2.

Sự rút lui của một người từng được gọi là “lãnh đạo của thế giới tự do”, một thủ tướng có sự pha trộn thận trọng về nguyên tắc và thực dụng, người đã dẫn dắt nước Đức và EU đi qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và khủng hoảng khu vực đồng euro, qua mùa xuân Arab và qua cuộc khủng hoảng nhập cư Châu Âu, sẽ để lại một khoảng trống khó lấp đầy.

Việc kết thúc kỷ nguyên của bà Merkel còn là cơn ác mộng với Châu Âu khi một loạt lãnh đạo cực hữu bắt đầu xuất hiện và viễn cảnh các đảng dân tuý dự kiến giành nhiều thắng lợi trong các cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu vào tháng 5.2019. Sự ổn định của EU đang đứng trước nguy cơ nhất là vào thời điểm khối này đang đối phó với Brexit, và cuộc khủng hoảng ngân sách ở Italia. Đây cũng là tin xấu đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có tầm nhìn lớn về cải cách khu vực đồng euro, song đang chịu những áp lực lớn sau 18 tháng nhậm chức khi những cải cách của nhà lãnh đạo nào không được như mong muốn, trong khi tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp đang ở mức dưới 30%. Chưa khi nào sự ổn định của EU lại bị đe doạ như lúc này, nhất là lại càng u ám trước kế hoạch rút lui của Thủ tướng Merkel.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn