MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ gốm khai quật ở di tích Tam Tinh Đôi được xem là kỳ quan khảo cổ Trung Quốc. Ảnh: Bảo tàng Tam Tinh Đôi/CGTN

Kỳ quan khảo cổ Trung Quốc hé lộ nền văn minh cổ đại

Khánh Minh LDO | 11/05/2021 21:02

Những cổ vật được ví như kỳ quan khảo cổ Trung Quốc ở di tích Tam Tinh Đôi hé lộ nền văn minh cổ đại của Thục quốc.

CGTN cho hay, ngoài đồ đồng và đồ trang trí bằng vàng tinh xảo, đồ gốm cũng là một trong những hạng mục quan trọng được khai quật ở di tích Tam Tinh Đôi (Sanxingdui).

Các cổ vật này cho thấy chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt của người Thục cổ đại và cung cấp một ví dụ điển hình để nghiên cứu nguồn gốc và sự phát triển hội nhập đa dạng của nền văn minh Trung Hoa.

Nồi gốm ba chân

Do có sự tương đồng đáng kinh ngạc với nồi lẩu thời hiện đại, một chiếc nồi gốm ba chân mới được khai quật từ một hố hiến tế ở di tích Tam Tinh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Nồi gốm ba chân có chiều cao 44 cm, khai quật năm 1986. Ảnh: Bảo tàng Tam Tinh Đôi/CGTN

Theo mô tả của Bảo tàng Tam Tinh Đôi, phần giữa của chiếc nồi rỗng, thông với phần trên, có thể đựng một lượng nước lớn để giữ nhiệt. Người ta tin rằng đây là chiếc nồi được người Thục cổ đại sử dụng để nấu thức ăn. Các chuyên gia phỏng đoán đây chính là nguồn gốc của món lẩu Tứ Xuyên.

Ngoài chiếc nồi nấu ba chân này, các đồ tạo tác bằng gốm khác cũng được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi, gồm hộp đựng thức ăn, cán thìa và bình đựng rượu.

Bình rượu gốm ba chân

Bình rượu gốm ba chân là một trong số lượng lớn các bình rượu được khai quật tại di tích Tam Tinh Đôi. Chiếc bình có ba chân rỗng nối liền với thân, có tác dụng tăng dung tích và dễ dàng làm nóng bằng lửa. Đây là bình rượu có thể giúp làm ấm rượu.

Bình rượu gốm ba chân có chiều cao 47,9 cm, khai quật năm 1980. Ảnh: Bảo tàng Tam Tinh Đôi/CGTN

Một số lượng lớn các bình đựng rượu đã được khai quật ở di tích Tam Tinh Đôi cho thấy sản xuất nông nghiệp vào thời đó khá thịnh vượng và có một lượng lớn ngũ cốc dư thừa để nấu rượu.

Cán thìa hình đầu chim

Cán thìa hình đầu chim là một loại đồ gốm ở Tam Tinh Đôi mang đặc điểm của Vương quốc Thục cổ đại. Chúng thuộc loại thìa hình đầu chim vì phần thân thìa không dễ bảo quản, hầu hết chỉ có cán thìa.

Cán thìa hình đầu chim cao 27,06 cm, khai quật năm 1986. Ảnh: Bảo tàng Tam Tinh Đôi/CGTN

Hàng nghìn chiếc thìa hình đầu chim đã được khai quật từ khu vực này, giống như một loài chim của Thục quốc cổ đại. Theo Bảo tàng Tam Tinh Đôi, hình đầu chim có thể liên quan đến phù hiệu gia tộc và tên của một số bộ tộc và triều đại trong truyền thuyết của nhà Thục cổ đại.

Một số học giả tin rằng, những chiếc thìa hình đầu chim không chỉ là vật dụng hàng ngày mà còn là một loại vật phẩm hiến tế được người Thục cổ đại sử dụng trong các nghi lễ hiến tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn