MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người đàn ông Trung Quốc 50 tuổi gần như suýt tử vong vì COVID-19 đã xuất viện hôm 20.3 nhờ áp dụng kỹ thuật trao đổi oxy màng ngoài cơ thể. Ảnh: SCMP.

Kỹ thuật chăm sóc tích cực góp phần cứu sống nhiều ca COVID-19

Hải Anh LDO | 21/03/2020 18:26
Một nam giới 50 tuổi mắc COVID-19 được đưa vào khoa chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viên Đồng Tế Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng trước trong tình trạng bị suy hô hấp. Các bác sĩ đặt máy thở nhưng độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân ở mức thấp nguy hiểm. 

Khi bệnh nhân COVID-19 này có nguy cơ bị suy tạng cao, các bác sĩ đã chọn phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Phương pháp này cung cấp sự hỗ trợ thay thế tạm thời chức năng tim phổi để người bệnh duy trì sự sống. 

SCMP cho hay, sau 8 ngày, máy ECMO được ngắt kết nối và nam bệnh nhân có thể tự thở được. Năm ngày sau đó, bệnh nhân có thể ngồi dậy trên giường và tự ăn. Đến chiều 20.3, bệnh nhân đã được xuất viện. 

Hãng tin có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, việc thiếu các kỹ thuật và thiết bị cứu sinh tương tự có khả năng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong ở Italia cao, khoảng 8,5%. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc là khoảng 4%, Đức là khoảng 0,3%. 

Bác sĩ Zhang Wenhong - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hóa Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc, gần đây đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 cho người Trung Quốc ở nước ngoài trong một sự kiện trực tuyến. 

Tại sự kiện này, theo SCMP, ông cho rằng, tỉ lệ tử vong cao ở Italia có là do thiếu máy thở do số lượng bệnh nhân cần chăm sóc tích cực đã vượt quá số giường chăm sóc tích cực ở Italia. Trong khi đó, ở Đức số lượng giường ICU lớn hơn nhiều so với số bệnh nhân. 

Trung Quốc có khoảng 400 máy ECMO vào năm 2018 - theo số liệu mới nhất hiện có - nhưng đã đầu tư đáng kể vào thiết bị hỗ trợ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đầu tháng 3 năm nay,  khoảng 65.000 thiết bị y tế, bao gồm gần 17.000 máy thở, đã được chuyển tới Vũ Hán, nơi bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, hơn 40.000 bác sĩ và y tá khắp Trung Quốc được điều động tới tỉnh Hồ Bắc để hỗ trợ và mang theo các thiết bị y tế riêng, trong đó có máy thở và máy ECMO.

Italia, quân đội đang giúp nhà sản xuất máy thở duy nhất của nước này tăng cường sản xuất các máy móc chủ đạo. Đức cũng đã đặt hàng thêm 10.000 máy thở từ các nhà cung cấp trong nước ngoài đơn đặt hàng 25.000 đang có. Trong khi đó, Anh đang yêu cầu các nhà sản xuất ô tô điều chỉnh dây chuyền lắp ráp để tham gia sản xuất máy thở và các thiết bị y tế khẩn cấp khác.

Dù máy ECMO có thể góp phần cứu sống các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng các bác sĩ làm việc tại Hồ Bắc nói rằng không thể sử dụng rộng rãi vì yêu cầu phải có nhóm chuyên gia vận hành máy này. 

Trong một ca cụ thể, một nhóm gồm 14 bác sĩ  Bệnh viện Bắc Kinh đã phối hợp để thực hiện phương pháp này với bệnh nhân. 

"Áp dụng ECMO đòi hỏi các chỉ số cơ thể cụ thể. Bạn không thể đưa bệnh nhân vào ECMO chỉ vì họ là một ca nặng. ECMO không điều trị cho bệnh nhân" - bác sĩ Wang Xiaogang của Bệnh viện Bắc Kinh nói. 

"ECMO là thiết bị để "câu giờ" cho liệu pháp điều trị cuối cùng có kết quả nào đó. Tôi không tin rằng nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong" - bác sĩ Du Bin lãnh đạo khoa chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đại học Y khoa Liên minh Bắc Kinh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn