MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam xuất khẩu vải thiều sang EU theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN

Kỳ vọng FTA thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022

Khánh Minh LDO | 02/03/2022 09:34

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được cho là công cụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, theo nhận định của trang Vietnam Briefing.

Các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam, cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Khi Việt Nam mở rộng biên giới hơn nữa cho du lịch quốc tế, chính phủ muốn đảm bảo rằng đất nước trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Các FTA của Việt Nam và các hiệp định song phương khác có khả năng hỗ trợ và đóng một vai trò quan trọng trong trung và dài hạn.

Các FTA thế hệ mới

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều FTA, gần đây nhất đã ký kết các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt (UKVFTA) và gần đây nhất là RCEP. Các hiệp định này sẽ không chỉ giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế và mạng lưới sản xuất mà còn giúp đất nước tuân thủ các tiêu chuẩn lao động, đồng thời hiện đại hóa luật lao động và hệ thống quan hệ lao động. Mặc dù chính phủ sẽ liên tục phải làm việc để cải cách, nhưng việc trở thành một phần của các thỏa thuận như vậy sẽ tạo ra động lực.

Theo các chuyên gia, việc thực thi EVFTA đã giúp bù đắp đáng kể cho sự suy thoái của nền kinh tế Việt Nam do đại dịch COVID-19 gây ra. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỉ USD và nhập khẩu 16,89 tỉ USD vào năm 2021, tương ứng tăng 14,1% và 15,3% so với năm 2020. Ngoài ra, hơn 200.000 giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp trong năm 2021 cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trị giá 7,8 tỉ USD. 

Năm 2021, UKVFTA đã giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt gần 6,6 tỉ USD. Sự gia tăng tương tự cũng được ghi nhận với CPTPP khi xuất khẩu sang Canada và Mexico ngày càng tăng.

Các nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS). Thỏa thuận này bao gồm các nước ASEAN và tự do hóa thương mại trong một số ngành như giáo dục, vệ sinh, dịch vụ bệnh viện và du lịch.

Sự hỗ trợ của chính phủ và các ngành tăng trưởng cao

Bộ Công Thương cho biết, sẽ xem xét các nỗ lực thực hiện các hiệp định FTA hiện hành và lập kế hoạch cho các Hiệp định Thương mại tự do mới nhằm đảm bảo thị trường ổn định cho Việt Nam. Một số bước mà Bộ Công Thương đã vạch ra cho năm 2022 bao gồm: Làm việc với các cơ quan liên quan về cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối và giảm chi phí logistic; Làm việc với các tỉnh biên giới để tạo thuận lợi cho các thủ tục hải quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa; Giảm bớt thách thức về cơ sở hạ tầng cảng biển; Nâng cao nhận thức về phát triển thị trường chính và thị trường ngách; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam đang đàm phán hiệp định Việt Nam-EFTA, có sự tham gia của Việt Nam và EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) và FTA Việt Nam-Israel. Trang Vietnam Briefing gợi ý các doanh nghiệp có thể xem xét kỹ hơn những ngành nào có thể được hưởng lợi từ các FTA và điều chỉnh sản xuất của họ theo nhu cầu và xu hướng hiện tại.

Ví dụ, vào tháng 1.2021, xuất khẩu của Việt Nam đạt 29 tỉ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 7 nhóm hàng đạt doanh thu trên 1 tỉ USD, mỗi nhóm chiếm tổng cộng 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, một số nhóm hàng hóa này là: Điện thoại và linh kiện 4 tỉ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,5 tỉ USD); Hàng dệt may (3,3 tỉ USD); và nông, lâm, thủy sản (2,67 tỉ USD).

Năm quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế

Năm 2022 sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam vì đất nước có thể sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch sau các đợt đóng cửa nghiêm ngặt và ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong năm ngoái cũng đang mong muốn tăng cường thương mại và doanh thu vì họ tìm cách hạn chế thua lỗ so với năm ngoái.

Do đó, các FTA sẽ đóng một vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước khi các doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi. Chính phủ quan tâm đến việc thúc đẩy các FTA và đã vạch ra các bước để giúp các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định đó. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức, chẳng hạn giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao do lượng container bị hạn chế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng làm tăng chi phí nguyên vật liệu cũng như thời gian giao hàng cao hơn. Các thủ tục hành chính phức tạp, sự chậm trễ của hải quan và cơ sở hạ tầng cũng là những yếu tố cản trở các doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã sẵn sàng mở rộng phạm vi kinh doanh. Chính phủ Việt Nam nhận ra triển vọng này và đã đưa ra các chính sách thân thiện nhằm thu hút đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trong khi các biến thể COVID-19 có thể xuất hiện, tỉ lệ tiêm chủng cao của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp mở cửa. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhắc lại kế hoạch duy trì mở cửa các nhà máy với cách tiếp cận thích ứng linh hoạt với COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn