MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lại dấy lên hy vọng mới tìm được MH370

Khánh Minh LDO | 30/08/2021 17:45
Có hy vọng mới tìm được MH370 mất tích khi một chuyên gia công bố phương pháp có thể giải quyết bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử.

Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất cùng 238 hành khách và phi hành đoàn vào ngày 8.3.2014 sau khi khởi hành từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur để đến Bắc Kinh, Trung Quốc.

Kỹ sư hàng không vũ trụ Richard Godfrey mới đây đã công bố một nghiên cứu về cách giải thích dữ liệu chuyển động cuối cùng của MH370. Godfrey là thành viên sáng lập nhóm điều tra độc lập MH370 Independent Group kể từ năm 2014, gồm các nhà khoa học và kỹ sư uy tín giúp dẫn dắt cuộc tìm kiếm MH370 qua phân tích theo dõi vệ tinh toàn diện của chiếc Boeing 777 mất tích.

Godfrey sử dụng một quy trình được gọi là Weak Single Propagation Reporter (WSPR) - tái tạo lại đường bay bằng cách phân tích nhiễu sóng đối với thu sóng vô tuyến tại thời điểm máy bay bị mất tích.

Godfrey giải thích, các tín hiệu vô tuyến hoạt động giống như các "dây bẫy" vô hình trên bầu trời. Giả thuyết của ông rằng phi công MH370 cố tình tránh bị phát hiện giờ đã trở thành một "giả thuyết có khả năng xảy ra" nhờ vào kỹ thuật này.

Theo Godfrey, dữ liệu cho thấy máy bay đã đổi hướng nhiều lần như thể để tránh hệ thống theo dõi máy bay trước khi lao xuống phía nam Ấn Độ Dương. Godfrey chỉ ra rằng, đường bay của MH370 "khác biệt đáng kể" so với các giả thuyết trước đó dựa trên dữ liệu vệ tinh.

Theo kỹ sư hàng không, phi công Zaharie Ahmad Shah đã thực hiện một loạt chuyển hướng và thay đổi tốc độ của MH370 nhằm để lại "dấu vết giả" trên các đường bay không chính thức trong khi tránh các đường bay thương mại.

Airlineratings.com dẫn lời Godfrey nói: "Tôi sẽ không mô tả đường bay trong nghiên cứu mới là suy đoán mà là một giả thuyết có thể xảy ra. Đường bay MH370 mà tôi đề xuất là một giả thuyết được hỗ trợ bởi một lượng lớn bằng chứng dưới dạng một số lượng lớn các chỉ số về vị trí.

Giả thuyết sẽ vẫn có giá trị cho đến khi ai đó chứng minh nó sai bằng cách đưa ra bằng chứng rằng, MH370 đã không đi theo đường bay này. Chẳng hạn, bằng chứng có thể dữ liệu radar thô”.

Tuy nhiên, nhà thám hiểm vô tuyến nghiệp dư và chuyên gia WSPR John Moore đã hạ thấp độ chính xác của kỹ thuật này nhưng cho biết, nó cũng có thể được sử dụng để phát hiện UFO.

Moore nói với tờ Daily Star: "Tất nhiên chúng tôi cũng biết rằng phương thức lan truyền này không hoạt động trên phổ tần vô tuyến HF, ngay cả trong khoảng cách ngắn. Không có một UFO thực sự lớn và phản chiếu trên Ấn Độ Dương, theo ý kiến ​​của tôi thì lý thuyết WSPR rất thiếu sót".

Godfrey trước đó đã nói: “WSPR giống như một loạt các tia bẫy hoặc chùm tia laze, nhưng chúng hoạt động theo mọi hướng từ đường chân trời đến phía bên kia của địa cầu.

Phi công MH370 thường tránh các đường bay chính thức từ 18h00 giờ UTC trở đi nhưng sử dụng các điểm tham chiếu để điều hướng trên các đường bay không chính thức ở eo biển Malacca, xung quanh Sumatra và qua Nam Ấn Độ Dương. Đường bay men theo bờ biển Sumatra và bay sát sân bay Banda Aceh".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn