MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lạm phát ở Mỹ lập kỷ lục mới, báo hiệu thời kỳ khó khăn sắp tới

Khánh Minh LDO | 15/07/2022 07:16
Tỉ lệ lạm phát cao vọt của Mỹ trong tháng 6 là lời nhắc nhở về những ngày khó khăn phía trước đối với nhiều người ở Mỹ và trên toàn thế giới và đặc biệt là những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất và các nước đang phát triển mong manh nhất.

Lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm

Ngày 13.7, Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát ở Mỹ một lần nữa đã vượt quá dự báo, lên tới 9,1% trong tháng 6. Đây là mức tăng chưa từng thấy trong hơn 40 năm qua, theo tờ Wall Street Journal.

“Vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng đối với tất cả người tiêu dùng thành thị đã tăng 9,1% so với năm ngoái" - thông cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho hay. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981. Dữ liệu của Cục Thống kê Lao động cho thấy, nếu trừ giá năng lượng và thực phẩm - các mặt hàng có biến động lớn - thì lạm phát cơ bản của Mỹ tăng 5,9% so với năm ngoái.

Trước đó, theo Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát tháng 6 là 8,8% trong bối cảnh lạm phát tháng 5 là 8,6%. Vài tháng qua, số liệu lạm phát ở Mỹ liên tiếp lập đỉnh. Chỉ số lạm phát cao hơn trong tháng 6 phần lớn là do giá xăng dầu, nhà ở và giá thực phẩm. Cú sốc lớn nhất là giá năng lượng, tăng 7,5% chỉ từ tháng 5 đến tháng 6. Giá gas đã tăng vọt gần 60% so với một năm trước. Tháng trước, giá xăng ở Mỹ cao kỷ lục, trung bình 5USD mỗi gallon (3,7 lít).

Chi phí nhà ở và tiền thuê nhà đang tăng đều đặn khi tỉ lệ việc làm tăng lên khuyến khích nhiều người Mỹ chuyển ra ngoài ở riêng. Giá thuê nhà tăng 5,8% so với một năm trước, cao nhất kể từ năm 1986. Và chi phí trang trí nhà cửa vẫn đang tăng với tốc độ nhanh - giá đồ nội thất tăng 13% so với một năm trước.

Bloomberg lưu ý, thông tin về lạm phát tháng 6 ngay lập tức đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng USD lên cao hơn, trong khi giá hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán của Mỹ giảm.

Tương lai khó khăn

Con số lạm phát kỷ lục của Mỹ trong tháng 6 là lời nhắc nhở về những ngày khó khăn phía trước đối với nhiều người ở Mỹ và trên toàn thế giới và đặc biệt là những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất và các nước đang phát triển mong manh nhất - tờ Financial Times nhận định. Điều này không phải do lạm phát sẽ tiếp tục ghi nhận mức cao mới trong vòng 3 tháng tiếp theo, mà đúng hơn là bởi thiệt hại đã và sẽ xảy ra.

Tỉ lệ lạm phát 9,1% sẽ là một cú sốc đối với nhiều người, đặc biệt là những người đã được trấn an một cách sai lầm bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Từ ngày đầu tiên của đợt lạm phát này, Fed được cho là không nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của những gì phía trước để hành động kịp thời và dứt khoát nhằm tránh những tổn hại không đáng có cho rất nhiều người.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Fed bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất, bao gồm mức tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách gần đây nhất vào tháng 6, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.

Không giống như Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Fed vẫn chưa giải thích được lý do tại sao lại đưa ra dự báo lạm phát sai trong thời gian dài và không giống như Ngân hàng Trung ương Anh, Fed vẫn chưa đóng vai trò kỹ trị của một cố vấn trung thực về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và tại sao.

Fed hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả một cách quyết liệt. Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào cuối tháng này và cũng có thể là 1 điểm phần trăm.

Những người chỉ trích chính sách của Fed đã cảnh báo rằng một phản ứng chính sách muộn màng như vậy có thể sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang chậm lại. Điều này làm tăng thêm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn thu nhập đến xói mòn về sức mua - những yếu tố ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người có thu nhập thấp.

Bất chấp chỉ số lạm phát cao trong tháng 6, các nhà kinh tế chỉ ra diễn tiến gần đây có thể làm dịu áp lực giá cả trong những tháng tới. Các nhà đầu tư cho rằng việc tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn thế giới đã dẫn đến sự sụt giảm giá hàng hóa trong những tuần gần đây, bao gồm giá dầu, giá đồng, lúa mì và ngô, sau khi giá các mặt hàng này tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga-Ukraina. Các nhà bán lẻ đã cảnh báo về nhu cầu giảm giá hàng hóa, đặc biệt là hàng may mặc và hàng gia dụng.

Lạm phát giảm sẽ là một tin tốt. Nếu không, hệ quả của nó sẽ vượt ra ngoài phạm vi nước Mỹ. Lạm phát cao và phản ứng chính sách tiền tệ mà nó sẽ kéo theo, sẽ đổ thêm dầu vào hiện tượng “đám cháy nhỏ ở khắp nơi” và đặc biệt đáng lo ngại đối với các nước đang phát triển vốn đang phải đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng. Các nước này phải đối mặt với việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu, cũng như đồng USD tăng giá khiến lạm phát nhập khẩu trở nên trầm trọng hơn và có nguy cơ làm mất ổn định tính bền vững của nợ và thị trường tài chính trong nước.

Các con số lạm phát mới nhất cho thấy thời kỳ khó khăn sắp tới, đặc biệt là đối với những bộ phận xã hội dễ bị tổn thương nhất ở Mỹ và trên toàn cầu. Phần lớn điều này có thể tránh được nếu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới phản ứng nhanh hơn với các công cụ chính sách của mình - và không cố chấp với lập trường rằng lạm phát tăng trong năm ngoái chỉ là "nhất thời".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn