MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Haneda ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VGP

Làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên nền tảng quan hệ đối tác mới

Thanh Hà LDO | 16/12/2023 07:01

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản từ ngày 15-18.12.2023 sẽ diễn ra hội đàm cấp Thủ tướng đầu tiên sau khi Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới” ngày 27.11.2023.

Chia sẻ với Báo Chính phủ nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cho hay: "Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ có cuộc trao đổi sôi nổi về các hoạt động quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, dựa trên nền tảng quan hệ đối tác mới.

Tôi hy vọng rằng, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp để Nhật Bản và Việt Nam có thể cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của khu vực và thế giới" - Đại sứ nói.

Đại sứ Yamada Takio chia sẻ, đã 10 năm kể từ khi Nhật Bản và Việt Nam ký kết quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, quan hệ hai nước hiện nay không chỉ dừng lại ở mức độ song phương mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành quan hệ chiến lược cùng đóng góp cho hòa bình và phồn vinh của khu vực và thế giới.

Do đó, việc nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” lần này vô cùng phù hợp với tình hình quan hệ hai nước hiện nay.

Quan hệ đối tác này sẽ bao trùm tất cả các nội dung hợp tác giữa hai nước một cách toàn diện, có thể kể đến các lĩnh vực như FOIP, đổi mới sáng tạo, Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), an ninh quốc phòng, tăng cường giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, liên kết trên các diễn đàn khu vực và quốc tế... đồng thời trở thành cơ sở để tăng cường các liên kết chiến lược này ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn nữa.

Về việc Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cho hay: Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đào tạo nhân lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện việc phát triển kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn làm sôi động trở lại viện trợ ODA, đặc biệt là hỗ trợ trong xây dựng hạ tầng quan trọng cho phát triển của Việt Nam.

"Trong dòng chuyển dịch chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung sự quan tâm lớn tới Việt Nam như một điểm đến đầu tư, nơi có dân số hơn 100 triệu dân, số người có thu nhập trung bình tăng, có nhu cầu trong nước cao và thị trường dần mở rộng. Tôi kỳ vọng vào việc đầu tư và triển khai dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ ngày càng trở nên tích cực. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và tài năng trong lĩnh vực khoa học.

Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường hơn nữa thông qua làn sóng số hóa đang lan dần tới từng góc nhỏ của xã hội" - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21.9.1973. Từ đó đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009, Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về thương mại, Việt Nam - Nhật Bản đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt trên 32,9 tỉ USD.

Đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến ngày 20.9.2023 đạt 71,3 tỉ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3/143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỉ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn