MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rùa biển đang ăn một chai nhựa có chất tẩy. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên tìm thấy nhựa bên trong cơ của rùa biển

Nguyễn Hạnh LDO | 06/05/2021 12:09
Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy nhựa bên trong cơ (bắp thịt) của rùa biển, cảnh báo ô nhiễm đang ảnh hưởng đến sinh vật biển ở mức độ hóa học.

Các loài động vật biển như rùa biển thường mắc vào lưới đánh cá, chất thải trong đại dương và chúng có thể ăn phải các loại nhựa khác, thường dẫn đến tử vong.

Tờ Daily Mail cho hay, các nhà nghiên cứu đã phân tích xác của 44 con rùa Caretta được tìm thấy đã chết trôi dạt vào bờ biển ở miền đông Tây Ban Nha và tìm thấy dấu vết của nhựa trong mỗi con.

Những con rùa có chế độ ăn chủ yếu là sứa, cá mòi và mực, chúng cũng tiêu thụ các chất thải như túi nhựa, nắp chai và các mảnh nhựa trôi nổi.

Tiến sĩ Ethel Ejarrat thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha và là tác giả chính của cuộc nghiên cứu, nói với Real Press: "Có một sự hiện diện rõ ràng của các chất phụ gia trong cơ của những con rùa được phân tích. Có lượng nhựa cao hơn trong những con rùa từ Balearics và chúng tôi tin rằng những con rùa sống dọc theo bờ biển Algeria phải sống chung với nhiều rác thải nhựa hơn những con sống dọc theo bờ biển Catalan".

Nghiên cứu cho thấy rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đến những con rùa ở mức độ vật lý khi chúng bị mắc kẹt trong rác thải, mà còn ở mức độ hóa học khi chúng tiêu hóa những rác thải đó.

Dấu vết của nhựa được tìm thấy trong 44 con rùa biển. Ảnh: Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 19 chất phụ gia được sử dụng trong nhựa, được biết là gây rối loạn hệ thống nội tiết điều hòa hormone, là chất độc thần kinh hoặc thậm chí là chất gây ung thư.

Những hợp chất này bao gồm photpho hữu cơ, hoặc OPC, được thêm vào nhựa để cải thiện đặc tính chống cháy của chúng và được tìm thấy trong tất cả các con rùa, với nồng độ từ 6-100 nanograms/gram cơ.

Nhà sinh vật học Luis Cardona của Đại học Barcelona cho biết: "Khi tự ý ăn chất thải biển, những con rùa thường trộn chúng với thức ăn thực (chẳng hạn như sứa). Rùa là một trong những nhóm động vật tiếp xúc nhiều nhất với ô nhiễm từ phụ gia nhựa, mặc dù chúng tôi chưa hiểu hết tác động thực sự của điều đó".

Tiến sĩ Ejarrat cũng nói rằng, các hợp chất nhựa mà họ phát hiện có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của rùa và có liên quan đến các trường hợp ung thư ở loài bò sát biển này.

Tác động độc hại không phải là cấp tính mà là mãn tính. Việc tiếp xúc hàng ngày với những chất gây ô nhiễm này, có thể gây ảnh hưởng đến cả cuộc đời của chúng.

Hơn nữa, rùa biển nhạy cảm với các chất phụ gia hóa học liên kết với nhựa hơn các sinh vật biển khác.

Tiến sĩ Ejarrat cũng cảnh báo, nếu loài rùa đang phải chịu những tác động này thì con người cũng có thể bị phơi nhiễm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn