MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga năm 2020. Ảnh chụp màn hình

Láng giềng EU lưỡng lự chia sẻ khí đốt với Đức

Thanh Hà LDO | 09/09/2022 19:09
Cuộc khủng hoảng khí đốt của Đức có thể bị trầm trọng hơn bởi thiếu đoàn kết của các nước láng giềng EU. 

Hy vọng của Đức về đạt được nhiều thỏa thuận khí đốt với các đối tác Liên minh Châu Âu (EU) ngoài những thỏa thuận đã có với Đan Mạch và Áo, đang mờ dần, trở thành một trở ngại tiềm tàng khác tới năng lực giảm thiểu tác động của khủng hoảng năng lượng của Berlin, Bloomberg nhận định.

Các nước láng giềng của Đức là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan từ chối tham gia vào "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng" về những thỏa thuận song phương, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông tin trong báo cáo với các nhà lập pháp. 

Điều đó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt Đức bởi vì tạo dựng được một khối của EU có khả năng chống chịu khủng hoảng khí đốt dưới hình thức các thỏa thuận song phương sẽ không có sẵn, ông Habeck cho hay. 

Những thỏa thuận như vậy giữa các quốc gia thành viên EU là một phần của cơ chế lớn hơn của EU đưa ra những hành động cần thực hiện trong trường hợp khẩn cấp về khí đốt. 

Thỏa thuận đảm bảo rằng, một quốc gia sẽ cung cấp khí đốt cho quốc gia kia nếu đối tác bị cạn kiệt hoặc không có đủ  khí đốt để cung cấp cho các hộ gia đình và các dịch vụ xã hội được bảo vệ đặc biệt theo luật của EU.

Đức đang đàm phán với Italia và Cộng hòa Czech nhưng các cuộc thảo luận với Rome đang được giữ cho đến sau cuộc bầu cử vào cuối tháng này, theo ông Habeck. 

 Đức hy vọng đạt được nhiều thỏa thuận khí đốt với các đối tác EU. Trong ảnh là logo một công ty năng lượng Đức. Ảnh: AFP

Thỏa thuận với Italia sẽ là một thỏa thuận 3 bên có sự tham gia của Thụy Sĩ bởi khí đốt sẽ cần phải vận chuyển qua nước này để đưa vào Đức.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Habeck cũng đề cập đến cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông nói rằng, Pháp cam kết hoàn tất công việc với các đường ống để có thể cung cấp khí đốt cho Đức nếu cần thiết. Đổi lại, Đức cam kết cung cấp điện cho Pháp.

Ông Habeck tiết lộ, lý do chính Bỉ, Luxemburg, Hà Lan và Ba Lan từ chối các thỏa thuận song phương với Đức là vì không muốn phải bồi thường cho các nhà cung cấp của mình trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức.

Cộng hòa Czech sẵn sàng ký một thỏa thuận như vậy với Đức nhưng chỉ khi có giới hạn về khoản bồi thường của chính phủ cho các nhà cung cấp.

Với những vấn đề này, “hiện tại không có tiến triển nào được trông đợi từ các cuộc đàm phán về những hiệp định đoàn kết song phương" - báo cáo của ông Habeck kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn