MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa sao Mộc (bên trái) và mặt trăng khổng lồ Ganymede của nó. Ảnh: Tsunehiko Kato, 4D2U Project, NAOJ

Lắng nghe âm thanh ma quái phát ra từ mặt trăng lớn nhất Hệ Mặt trời

Nguyễn Hạnh LDO | 21/12/2021 11:52
Tàu vũ trụ Juno của NASA đã ghi lại những tiếng động kỳ lạ phát ra từ mặt trăng Ganymede của sao Mộc.

Theo Daily Mail, với đường kính 5.262km, Ganymede là mặt trăng lớn nhất của sao Mộc và Hệ Mặt trời, lớn hơn cả sao Thủy và sao Diêm Vương. Nó cũng là mặt trăng duy nhất có từ trường riêng.

Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tiết lộ, đoạn âm thanh dài 50 giây được tạo ra từ dữ liệu thu thập được trong chuyến bay của Juno tới Ganymede vào ngày 7.6 năm nay.

Đó là chuyến bay mà một tàu vũ trụ đến gần Ganymede nhất, kể từ khi tàu vũ trụ Galileo của NASA tiếp cận mặt trăng này vào tháng 5.2000. Bản âm thanh cuối tuần qua đã được chia sẻ trong một cuộc họp ngắn của Liên minh Địa vật lý Mỹ.

Hình ảnh về Ganymede do tàu vũ trụ Juno ghi lại trong chuyến bay ngày 7.6. Ảnh: NASA/JLP-Caltech/SwRI/MSSS

Trong lần tiếp cận mới, tàu vũ trụ cách bề mặt Ganymede chỉ 1.038km và di chuyển với vận tốc khoảng 67.000km/h.

Điều tra viên chính của Juno Scott Bolton thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio (Mỹ) cho hay: "Bản nhạc phim này vừa đủ hoang dã để khiến bạn cảm thấy như thể bạn đang cưỡi ngựa trong khi Juno đi qua Ganymede lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ".

"Nếu lắng nghe kỹ, bạn có thể nghe thấy sự thay đổi đột ngột của các tần số cao hơn xung quanh điểm giữa của bản ghi, điều này thể hiện sự xâm nhập vào một vùng khác trong từ quyển của Ganymede" - Bolton nói.

This browser does not support the video element.

Âm thanh phát ra từ mặt trăng Ganymede. Video: NASA

Dữ liệu được thu thập bằng thiết bị Waves của Juno. Các chuyên gia cho biết họ vẫn đang tiếp tục phân tích và mô hình hóa dữ liệu từ Waves để giải mã một số âm thanh kỳ lạ.

Hình ảnh có độ phân giải cao về vòng bụi chính của sao Mộc do tàu vũ trụ Juno chụp lại. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Cũng vào cuối tuần qua, nhóm phụ trách Juno đã công bố hình ảnh mới nhất về vòng bụi mờ nhạt của sao Mộc, được chụp từ bên trong chiếc vòng nhìn ra bên ngoài. Hình ảnh được chụp khi Juno bay giữa sao Mộc và các vành đai bức xạ trong chuyến bay tiếp cận lần thứ 36, vào ngày 2.9 năm nay.

Tàu vũ trụ Juno được phóng từ Cape Canaveral, Florida, Mỹ vào tháng 8.2011, để nghiên cứu sao Mộc từ quỹ đạo. Sau hành trình kéo dài 5 năm, tàu đến sao Mộc vào ngày 4.7.2016.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn