MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hậu quả vụ pháo kích vào khu chợ thành phố ở Donetsk, ngày 12.12.2022. Ảnh: Xinhua

Lãnh đạo an ninh Kiev nói về xu hướng mới của người Ukraina

Song Minh LDO | 10/03/2023 08:44
Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina thừa nhận rằng ngày càng có nhiều công dân Ukraina muốn chính phủ ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, ông Aleksey Danilov, thừa nhận hôm 9.3 rằng ngày càng có nhiều người Ukraina muốn Kiev khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Mátxcơva. Ông Danilov chỉ trích diễn tiến này là một “xu hướng rất nguy hiểm” khi ông phát biểu trực tiếp trên chương trình trò chuyện (talkshow) "Greater Lviv speaks" của Ukraina.

“Nên nhớ rằng những người ủng hộ các cuộc đàm phán với Nga đang gia tăng về số lượng. Đó là một xu hướng rất nguy hiểm khi ngay cả những người ở miền tây Ukraina cũng bắt đầu nói về những điều như vậy” - ông Danilov nói. Ông cũng chỉ ra một chính trị gia địa phương ở khu vực phía tây Lviv được cho là đã kêu gọi Ukraina ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Nga trước đây đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Ukraina nếu các nhà lãnh đạo của nước này chấp nhận các điều kiện của Mátxcơva và công nhận điều mà Điện Kremlin gọi là "thực tế hiện tại". 

Vào mùa thu năm 2022, bốn khu vực cũ của Ukraina, bao gồm cả hai nước cộng hòa Donbass tự xưng, chính thức gia nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. Kiev cho rằng cuộc bỏ phiếu là "giả mạo" và khẳng định cả bốn vùng lãnh thổ vẫn là một phần của Ukraina - cùng với Crimea, đã sáp nhập Nga vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý sau cuộc đảo chính Maidan.

Kiev từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mátxcơva kể từ mùa xuân năm 2022, khi những nỗ lực ban đầu nhằm giải quyết cuộc xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao đều thất bại. Vào thời điểm đó, Ukraina đã rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga sau nhiều vòng đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 10.2022, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky loại trừ các cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga. 

Trong hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.2022, Tổng thống Zelensky loại trừ khả năng có một thỏa thuận "Minsk-3" mới, đề cập đến các thỏa thuận trước đó được thiết kế để giải quyết xung đột giữa Kiev và hai nước cộng hòa Donbass.

Thỏa thuận Minsk, do Đức và Pháp làm trung gian, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Nga đưa quân vào Ukraina vào ngày 24.2.2022, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận vốn được thiết kế để trao cho Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt ở Ukraina.

Cựu Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko sau đó thừa nhận rằng mục tiêu chính của Kiev là sử dụng thỏa thuận để câu giờ và "xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh". Ý tưởng này đã được cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande xác nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn