MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: EPA.

Lãnh đạo NATO bày cách cứu thỏa thuận vũ khí hạt nhân INF khỏi đổ vỡ

Hải Anh LDO | 27/05/2019 11:35
Ý chí chính trị là điều cần có để "cứu" Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Welt Am Sonntag được xuất bản hôm Chủ nhật (26.5). 

"Thời gian càng lúc càng ít đi nhưng vẫn chưa muộn, hiệp ước có thể được cứu vãn. Năm 1987, Mátxcơva đã cho thấy họ có thể phá hủy các tên lửa hành trình trong vòng vài tuần" - ông Jens Stoltenberg nói. 

Tổng thư ký NATO nói thêm: "Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chạy đua vũ trang mới và chúng tôi không muốn có một cuộc chiến tranh Lạnh mới". 

Người đứng đầu liên minh NATO nhấn mạnh, tổ chức này có thể tự đứng vững và theo đuổi một chính sách hiệu quả, đáng tin cậy đủ để gây kinh sợ với một đối thủ tiềm tàng trên thế giới khi không có Hiệp ước INF và "với một số lượng lớn tên lửa của Nga ở Châu Âu".

Theo ông Stoltenberg, phản ứng của NATO với việc đình chỉ Hiệp ước INF sẽ được cân đối, phối hợp và mang bản chất phòng thủ. Những biện pháp này có thể bao gồm ký một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới hoặc các phản ứng quân sự mới trong phạm vi vũ khí thông thường.

Ông nhấn mạnh, NATO không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân mới ở Châu Âu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước và kêu gọi Mátxcơva giải trừ các tên lửa loại SSC-8 (hay 9M729 theo phân loại của Nga).

Ông cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đang trở nên mạnh hơn về phương diện quân sự. "Họ (Trung Quốc) đang đầu tư ngày càng nhiều ngân sách vào phát triển vũ khí, trong đó có vũ khí hạt nhân. Một số nước thành viên NATO tin rằng cần có sự tham gia của Trung Quốc vào hệ thống kiểm soát vũ khí mới" - ông Stoltenberg nói. 

Theo ông, thỏa thuận mới có thể tính đến những nguy cơ liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng như các mối đe dọa đang nổi lên trong không gian mạng.

Hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký kết năm 1987 và có hiệu lực năm 1988. Hiệp ước này áp dụng trong việc triển khai và không triển khai các tên lửa mặt đất tầm trung (1.000-5.000km) và tầm ngắn (500-1.000km). Washington nhiều lần cáo buộc Mátxcơva vi phạm hiệp ước INF. Nga đã kịch liệt bác bỏ tất cả mọi cáo buộc và cho rằng Mỹ đã không tuân thủ hiệp ước. 

Ngày 1.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ của Washington với Hiệp ước INF bắt đầu từ ngày 2.2. Washington quyết tâm rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng trừ khi Mátxcơva trở lại tuân thủ hiệp ước một cách thực tế và có thể kiểm chứng. Cụ thể, Mỹ cho rằng, trước tiên, Nga cần loại bỏ các tên lửa hành trình 9M729.

Ngay ngày 2.2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga cũng đang đình chỉ thỏa thuận. Ông chỉ đạo Mátxcơva không được bắt đầu trước  các cuộc đàm phán với Washington về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Mỹ cần thể hiện sự sẵn sàng cho một cuộc đối thoại bình đẳng và thực chất. Ông Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ việc Mátxcơva tuân thủ hiệp ước vào ngày 4.3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn