MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp phích tuyên truyền phòng chống COVID-19 trên đường phố Hà Nội. Ảnh: AFP

Lao động nhập cư trong dịch COVID-19: Ba quốc gia ASEAN, ba cách tiếp cận

Ngọc Vân LDO | 27/05/2020 16:48

Trong đại dịch COVID-19, các quốc gia ASEAN hỗ trợ lao động nhập cư không chỉ vì họ là những người  thuộc nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương, mà còn vì làm như vậy có thể làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh trong khu vực. Tờ The Diplomat điểm lại chiến lược ứng phó COVID-19 của ba quốc gia Thái Lan, Singapore, Việt Nam với các cách tiếp cận khác nhau khi nói đến việc giải quyết lao động nhập cư.

Thái Lan: Lao động nhập cư di chuyển ồ ạt

Mặc dù Thái Lan có hệ thống chăm sóc sức khỏe được coi là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới nhờ đầu tư vào an ninh y tế, song chính sách đóng cửa nhanh chóng và hạn chế di chuyển là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong khu vực rộng hơn. Thông báo về việc phong toả toàn quốc ở Thái Lan vào cuối tháng 3 đã tạo ra một cuộc di cư hàng loạt của lao động nhập cư từ nước này.

Ngay cả khi cố vấn cấp cao của Bộ Y tế Thái Lan Tawee Chotpitayasunondh cảnh báo rằng việc đi lại ồ ạt sẽ làm tăng sự lây lan của virus, những người lao động nhập cư tại Thái Lan cuối cùng vẫn phải đối mặt vấn đề nan giải: Ở lại thì đói vì không có việc làm, tiền bạc,... hoặc trở về nhà, mặc dù bị chính phủ của họ ngăn cản. Ước tính có khoảng 4 đến 5 triệu người di cư làm việc tại Thái Lan, chủ yếu đến từ các quốc gia láng giềng Myanmar, Lào và Campuchia - là những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tương đối yếu, như  Myanmar được xếp hạng là một trong những nước yếu nhất trong khu vực theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Việc thiếu xét nghiệm COVID-19 tại thời điểm đó cùng với thời gian ủ bệnh dài của virus khiến người ta không thể biết có bao nhiêu lao động nhập cư rời Thái Lan là người mang virus COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người lao động nhập cư đã quay trở lại Myanmar, Lào và Campuchia, và sau đó những quốc gia này đã trải qua sự tăng đột biến của COVID-19, và nguồn lực y tế hạn chế của họ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Singapore: Làn sóng lây nhiễm trong ký túc xá lao động nhập cư

Singapore ban đầu được ca ngợi vì phản ứng nhanh COVID-19, nhưng thời gian chứng minh rằng có những điểm mù trong quá trình thực thi, vì nước này bỏ qua dân số di cư dễ bị tổn thương sống chen chúc trong các ký túc xá chật chội, mất vệ sinh. Theo Bộ Nhân lực Singapore, 1,4 triệu trong số 5,8 triệu lao động của nước này là lao động nhập cư. Do đó, gần 25% lao động nhập cư tại Singapore chiếm 85% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở đảo quốc này.

Sau khi làn sóng nhiễm COVID-19 thứ hai đáng ngạc nhiên ở Singapore quét qua các ký túc xá của lao động nhập cư, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã giải quyết vấn đề này bằng cách triển khai Đội hỗ trợ đến các ký túc xá, cung cấp cho công nhân nhập cư thực phẩm và nước uống, wifi để giữ liên lạc với gia đình và hỗ trợ y tế.

Việt Nam: Câu chuyện thành công

Không có bất kỳ ca tử vong nào do COVID-19, Việt Nam là một điển hình về sự đoàn kết và một chiến dịch y tế công cộng được tổ chức trên quy mô lớn để bảo vệ người dân. Tính đến ngày 26.5, Việt Nam có tổng số 326 ca mắc và không có ca tử vong nào. Điều đặc biệt thú vị không chỉ là số ca mắc mà còn là tỉ lệ xét nghiệm các ca nhiễm.

Khác với Hàn Quốc và Singapore sử dụng xét nghiệm hàng loạt để theo dõi và cách ly bệnh nhân COVID-19 tiềm năng, Việt Nam đã sử dụng giám sát hàng loạt. Truy dấu bằng công nghệ thấp là công cụ để thành công. Sau dịch SARS năm 2003, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam đã có động lực tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết để theo dõi các bệnh truyền nhiễm. Bằng cách đó, Việt Nam đã tận dụng thời gian ở giai đoạn đầu của COVID-19, ngay cả trước khi WHO tuyên bố là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, để triển khai các biện pháp của mình.

Sau khi dịch COVID-19 được báo cáo ở Vũ Hán, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á thực hiện các hạn chế đi lại và đã đóng cửa hàng loạt kể từ đó. Việt Nam đã sử dụng một hệ thống nhiều tầng làm giao thức để truy dấu và cô lập các ca bệnh tiềm năng. Ngoài ra, đã có hai ứng dụng được phát triển để mọi người có thể khai báo tình trạng sức khỏe và các triệu chứng, được áp dụng cho toàn bộ người Việt Nam trong nước cũng như công dân và người lao động trở về từ nước ngoài. Mặc dù có nguồn lực tài chính và y tế hạn chế hơn nhiều so với các nước, song ở Việt Nam, nỗ lực tập trung để giải quyết và xác định nhu cầu của người lao động nhập cư là một công cụ mạnh mẽ để ngăn chặn sự gia tăng không cần thiết các ca nhiễm COVID-19.

Theo dữ liệu gần đây của Ngân hàng Thế giới, 134.000 người đã được cách ly tại Việt Nam. Việt Nam không chỉ áp đặt các hành động quyết đoán và minh bạch đối với chính sách nhập cảnh, nước này còn cung cấp máy “ATM gạo” cho người thất nghiệp. Nỗ lực phối hợp giữa các khu vực công và tư tại Việt Nam để cung cấp cho người lao động thực phẩm dồi dào cũng như việc truy dấu chủ động đã góp phần giúp Việt Nam viết nên một câu chuyện thành công trong khu vực ASEAN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn