MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi “ra mắt” tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Lễ “ra mắt” khó khăn của Tổng thống Donald Trump tại Liên Hợp Quốc

VÂN ANH LDO | 19/09/2017 06:30
Bài phát biểu đầu tiên trước gần 200 nhà lãnh đạo các quốc gia trong lễ “ra mắt” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 19.9 (giờ Mỹ) sẽ thu hút sự chú ý của cả thế giới, trong bối cảnh một loạt vấn đề nóng đang dồn dập diễn ra.

Cải tổ LHQ

Ông Donald Trump dự kiến sẽ dành nhiều thời gian để nói về việc cải tổ LHQ - cơ quan mà ông thường chê trách và từng gọi “đây chỉ là câu lạc bộ để mọi người tụ tập, nói chuyện và có một quãng thời gian vui vẻ”. Chủ nhân Nhà Trắng từng than phiền về việc Mỹ đóng góp tới 22% ngân sách của LHQ và gần 30% cho hoạt động gìn giữ hòa bình, nên đã kêu gọi cắt giảm đóng góp tài chính của Mỹ cho cơ quan này. Nhưng ông cũng sẽ đối mặt với áp lực phải đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn cho cộng đồng quốc tế và khẳng định cam kết của mình với LHQ, như đã làm với NATO đầu năm nay.

Tờ Washington Examiner dẫn lời ông Stewart Patrick - thành viên cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại - cho biết, ông lạc quan rằng Tổng thống Mỹ sẽ có cách tiếp cận mang tính xây dựng trong lần xuất hiện đầu tiên tại LHQ, nhất là vì mối quan hệ tốt đẹp đến mức ngạc nhiên với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. “Tôi nghĩ rằng ông Guterres là người luôn cố gắng tạo ra nền tảng tốt đẹp cho mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ” - ông Patrick nói.

Tuy nhiên, một ngày sau cuộc họp cải tổ của LHQ, ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn khi phát biểu trước lãnh đạo 193 nước trong Đại hội đồng, đề cập đến các hồ sơ nóng của thế giới như Triều Tiên, Iran và các vấn đề khác.

Triều Tiên

Việc Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ dẫn đến sự lên án và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an LHQ, mà Mỹ là thành viên thường trực. Mặc dù Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley mô tả các chế tài mới “là những biện pháp cứng rắn chưa từng thấy áp đặt lên Triều Tiên”, song ông Donald Trump chỉ vài giờ sau đó đã tuyên bố “đây chỉ là bước đi rất nhỏ, không đáng gì”.

Tổng thống Donald Trump trong quá khứ đã chỉ trích Trung Quốc vì thất bại trong việc kiềm chế Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ lần này, không để bất kỳ cơ hội nào để ông Donald Trump có thể thảo luận về Triều Tiên. Ông Charles Lipson - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago - nhận định, ông Donald Trump có thể sẽ không công khai nói về nhiệm vụ của Trung Quốc tại Đại hội đồng như ông từng làm trước đây, để giữ lại cơ hội dựa vào Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên trong tương lai.

Iran

Trong hồ sơ Iran, ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về việc liệu ông có định kéo dài thoả thuận hạt nhân của người tiền nhiệm Barack Obama ký với Iran hay không - cái mà ông mô tả là “thoả thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán”. Bộ Ngoại giao Mỹ phải chứng thực trước Quốc hội rằng, liệu Iran có tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPA), hay còn gọi là Thoả thuận hạt nhân Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức), hay không trước ngày 15.10 tới. Tổng thống Mỹ rõ ràng vẫn chưa từ bỏ ý định rút khỏi thoả thuận mà các nước thành viên còn lại trong P5+1 cho là vô cùng quan trọng này. Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster phát biểu với báo giới hồi tuần trước rằng, ông Donald Trump sẽ thảo luận về những hành động khiêu khích của Iran với các nhà lãnh đạo Pháp và Israel trong các cuộc gặp song phương ngày 18.9.

Thoả thuận khí hậu Paris

Một báo cáo công bố hồi cuối tuần về số phận của thoả thuận khí hậu Paris dường như càng tăng thêm sự không chắc chắn nữa cho lần xuất hiện của ông Donald Trump tại LHQ. Nhiều nhà lãnh đạo mà ông gặp tại đây, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, là những người ủng hộ nhiệt thành thoả thuận khí hậu và từng chỉ trích quyết định của ông Donald Trump hồi tháng 6 rút Mỹ ra khỏi thoả thuận.

Trong khi tờ Wall Street Journal tuần trước cho biết, Mỹ không thực sự có ý định rút khỏi thoả thuận, thì các quan chức Nhà Trắng lại phủ nhận, nói rằng Mỹ chỉ tham gia lại thoả thuận khí hậu theo các điều khoản có lợi hơn cho nền kinh tế Mỹ. Những điều khoản này là gì, làm thế nào để thúc đẩy thoả thuận có hoặc không có Mỹ, có thể sẽ được thảo luận tại Đại 
hội đồng.

Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến không tham dự phiên họp lần này. Tuy nhiên, cáo buộc Nga can thiệp vào nội bộ Mỹ và các nước khác, việc Nga sáp nhập Crưm có thể sẽ là chủ đề nóng tại LHQ và thách thức ông Donald Trump khi ông nỗ lực điều hướng những khó khăn chính trị mà Nga tạo ra với mình. Tổng thống Mỹ đã phải vất vả để vượt qua cuộc tranh cãi xung quanh vụ điều tra cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong khi ông Donald Trump và các cộng sự phủ nhận có sự thông đồng, thì việc mở rộng điều tra đã ngăn cản mọi cơ hội của ông Donald Trump khởi động mở cánh cửa ngoại giao với Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn