MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Shirel Levi. Ảnh: Đại sứ quán Israel

"Lên đầu nguồn" để tìm cách loại bỏ bạo lực với phụ nữ

Shirel Levi - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam LDO | 25/11/2021 06:30

Nhân Ngày Quốc tế Loại bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ (25.11), Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Shirel Levi chia sẻ với Lao Động bài viết về kinh nghiệm của Israel trong giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ. 

Thích ứng với thực tế mới

Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người phải chịu bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đời.  Năm 2019, 64% phụ nữ Việt Nam chịu một hoặc nhiều loại bạo lực do chồng gây ra, theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam. Những số liệu này không đơn thuần chỉ là thống kê, mà cho thấy phần lớn phụ nữ đã trải qua hoặc biết ai đó từng chịu hình thức bạo lực nào đó.

Đây không phải là một vấn đề dễ thảo luận và chúng ta không thường xuyên muốn nói về nó. Tuy nhiên, ngày hôm nay, trong ngày Quốc tế Loại bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ, chúng ta lên tiếng.

Chúng ta cần nâng cao nhận thức vì những người phụ nữ đã và đang hứng chịu bạo hành và không may là cả những người sẽ chịu bạo hành trong tương lai. Chúng ta phải làm vậy vì chính mình và vì con gái của chúng ta.

Bạo lực gia đình và đặc biệt là bạo lực nhằm vào phụ nữ có xu hướng tồi tệ hơn trong khủng hoảng và stress. Do những hạn chế ngừa COVID-19, các gia đình phần lớn ở trong nhà, bị hạn chế di chuyển, không thể đi học hay đi làm. Hơn thế nữa, nhiều gia đình phải chịu thiệt hại tài chính. Nguồn tài chính giảm xuống, khả năng phụ nữ phải chịu bạo lực gia đình, cụ thể hơn là cả bạo lực tài chính, tăng lên. Ngoài ra, trong thời gian này phụ nữ ít được tiếp xúc với gia đình và bạn bè, thiếu sự hỗ trợ và bảo vệ. Ngay cả những đường dây nóng và nhà bảo trợ cũng hoạt động khó khăn giữa đại dịch. Phong tỏa, lo lắng, áp lực tài chính và sự bất ổn khiến nhiều gia đình gặp thách thức dù chưa từng trải qua bạo lực trước đây. Trong đại dịch, chúng ta thấy số vụ bạo lực với phụ nữ tăng lên hàng trăm phần trăm.

Chúng ta cần thích ứng với thực tế mới này.

Kinh nghiệm của Israel

Tuy nhiên, chỉ cứu giúp nạn nhân của bạo lực là không đủ. Nhà báo về nữ quyền đồng thời là nhà hoạt động chính trị xã hội Gloria Steinem từng nói: “Chúng ta không chỉ cần đứng ở bờ sông giải cứu người đang chết đuối… Phải lên đầu nguồn để xem vì sao người ta rơi xuống nước”.

Ở Israel, chúng tôi tin rằng mọi điều bắt đầu bằng giáo dục. Chúng ta cần dạy cho con trẻ, từ tuổi mẫu giáo, cách thảo luận, đối thoại, học cách kiểm soát stress và sự cảm thông. Khi trẻ em đến tuổi học sinh chúng ta dạy chúng về quan hệ lành mạnh, cách đối phó với sự thất vọng, xử trí nỗi giận dữ và nhận ra dấu hiệu cảnh báo. Chúng ta cần gạt bỏ những điều đã học. Chúng ta cần quên đi những khuôn mẫu và vai trò về giới khi nuôi dạy trẻ. Chúng ta đặc biệt cần nâng cao nhận thức của nhà giáo và học sinh về việc nhận diện căng thẳng, đồng thời cải thiện quy trình báo cáo.

Trong 25 năm qua, bạo lực với phụ nữ không giảm ở Israel, nhưng đã có sự thay đổi trong cách chúng tôi xử lí vấn đề này. Phụ nữ tiếp cận nhiều hơn sự giúp đỡ và nhiều cơ sở bảo trợ được thành lập. Bộ Lao động và Phúc lợi Israel đã bắt đầu đào tạo nhân viên xã hội xử lí các vụ bạo hành gia đình và đưa nạn nhân tới các cơ quan phù hợp để chăm sóc. Ngoài ra, các trung tâm điều trị cho trẻ em và phụ nữ, cũng như liệu pháp nhóm cho nam giới bạo lực, đang phát triển ở Israel. Trường cảnh sát Israel đang huấn luyện các tân cảnh sát về bạo lực về giới ngay từ đầu, và đã thiết lập các đơn vị đặc biệt gồm cả phụ nữ và đàn ông để xử trí các vụ việc về bạo lực giới. Nhân viên công tác xã hội và bệnh viện đang được Bộ Y tế Israel huấn luyện đặc thù để học cách nhận diện nạn nhân của bạo lực giới, và các nạn nhân được miễn chi phí chăm sóc cấp cứu.

Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này và quan trọng là chính phủ cũng phải có một vai trò tích cực về luật pháp. Nhờ cách tiếp cận tích cực của nhiều ủy ban quốc hội Israel và các nữ nghị sĩ, ngân sách dành cho các nhà bảo trợ, đường dây nóng và tổ chức phi chính phủ về bạo lực giới đã tăng lên. Những chủ đề trước đây không được thảo luận như quấy rối tình dục ở công sở giờ đã được thảo luận rộng rãi, và phụ nữ ngày càng nhận thức được quyền lên tiếng của mình.

Chúng ta cần nhận ra cái giá kinh tế phải trả cho bạo lực gia đình. Cần có chi phí cho cảnh sát, tòa án, nhà tù, hỗ trợ phúc lợi và đương nhiên là điều trị tâm lí và thể xác cho các nạn nhân và con cái họ. Hơn nữa, cần tính tới những ngày phụ nữ đã mất vì không thể làm việc cũng như năng lực bị bỏ phí của họ. Tại Việt Nam, phụ nữ chịu bạo lực phải dành 1/4 thu nhập hằng năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và thay thế đồ đạc bị phá hủy. Thiệt hại năng suất quốc gia tương đương với 1,8% GDP. Nếu chữa trị phần gốc rễ của vấn đề ngay từ đầu, chúng ta có thể cứu giúp phụ nữ và có thể giúp đỡ đất nước mình.

Tất cả chúng ta đều có vai trò quan trọng. Chúng ta cần nói về bạo lực giới, cần tố cáo nó và tạo ra một môi trường an toàn cho tất cả. Việc đó nằm trong tay chúng ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn