MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận chuyển bệnh nhân ở New York ngày 6.4. Ảnh: Getty Images

Lí do New York có số tử vong COVID-19 cao nhất Mỹ, gấp 12 lần California

Ngọc Vân LDO | 10/04/2020 10:23
New York có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất Mỹ, gấp 12 lần California, cho thấy những bài học quan trọng về cách đối phó với căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.

California, tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, là một trong những bang đầu tiên ghi nhận ca nhiễm COVID-19. Trường hợp đầu tiên lây nhiễm cộng đồng ở Mỹ đã được báo cáo ở California vào ngày 26.2; ca tử vong đầu tiên vào ngày 4.3. 

Trong khi đó, New York báo cáo trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên vào ngày 3.3 và ca tử vong đầu tiên vào ngày 14.3.

Nhưng chỉ hơn một tháng sau ca tử vong đầu tiên của California, tính đến ngày 8.4, tiểu bang có ​​hơn 17.000 ca mắc và khoảng 450 ca tử vong - trong khi tiểu bang New York có hơn 140.000 ca mắc và khoảng 5.500 ca tử vong.

Vox dẫn lời các chuyên gia nói rằng còn quá sớm để khẳng định tại sao California lại tốt hơn nhiều so với New York. Tuy nhiên, có một yếu tố chắc chắn là California hành động nhanh hơn New York khi COVID-19 rõ ràng bắt đầu lây lan ở Mỹ. 

Các ca nhiễm ở California vẫn nằm trong tầm kiểm soát trong khi tiếp tục tăng vọt ở New York, kinh nghiệm này có thể mang đến những bài học quan trọng về cách đối phó với COVID-19.

Kinh nghiệm của California, có khả năng phản ánh ít nhất phần nào giá trị của việc hành động nhanh chóng, chủ động hơn - theo những gì mà các chuyên gia nói là cần thiết trên khắp nước Mỹ, ngay cả ở những nơi không cảm thấy bị nhiễm virus ngay bây giờ. 

“Chúng ta cần chuyển sang một tâm lý chủ động thay vì phản ứng” - Giáo sư Krutika Kuppalli, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và là nhà lãnh đạo mới nổi trong ngành an ninh sinh học tại Trung tâm An ninh Y tế John Hopkins, nói.

Bệnh viện ở New York thiếu trầm trọng giường bệnh, máy thở và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Ảnh: Getty Images
Các chuyên gia cho biết thêm, điều quan trọng là California vẫn cảnh giác. Với những tác hại kinh tế to lớn do phong toả gây ra, việc sớm dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội có thể được khuyến khích. Nhưng để thực sự tránh được một thảm họa như New York, California có thể cần phải ở nhà càng nhiều càng tốt, ít nhất là cho đến khi ca nhiễm mới giảm xuống, các xét nghiệm và giám sát được thực thi đầy đủ và các cụm dịch mới giảm thiểu.

Có những yếu tố khác trong sự khác biệt giữa hai tiểu bang. Một là mật độ của các thành phố lớn nhất: Thành phố New York là thành phố có mật độ dân số lớn nhất ở Mỹ (mặc dù San Francisco đứng thứ hai), và rất nhiều người chen chúc nhau khiến virus dễ lây lan hơn.

Tiểu bang New York cũng đã xét nghiệm cho người dân với tỷ lệ cao hơn bốn lần so với California, điều này có thể phần nào, mặc dù không phải là chủ yếu, giải thích sự khác biệt giữa số ca mắc và tử vong ở hai tiểu bang.

Một yếu tố lớn - có lẽ là lớn nhất - là cơ hội. California hành động nhanh hơn New York ngay từ khi COVID-19 bắt đầu lây lan ở Mỹ. Khu vực Vịnh San Francisco đã ban hành lệnh ở nhà đầu tiên của Mỹ vào ngày 16.3, và Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom đã ban hành lệnh ở nhà trên toàn tiểu bang 3 ngày sau đó.

Trong khi đó, New York đã không ban hành lệnh ở nhà trên toàn tiểu bang cho đến ngày 22.3.

California cho đến nay đã tránh được sự bùng phát tồi tệ như New York, không có nghĩa là dịch bệnh ở bang này đã ổn. Ngược lại, các chuyên gia cảnh báo, khi COVID-19 vẫn lây lan nhanh chóng trên khắp nước Mỹ, tại thời điểm này, dịch bệnh có thể bắt đầu bùng phát ở bất kỳ tiểu bang nào, nơi các biện pháp giãn cách xã hội không được thực hiện nghiêm túc.

California và các tiểu bang khác có thể sẽ cần phải duy trì những hạn chế như vậy trong vài tuần tới, nếu không phải là vài tháng. Ngay cả khi các bang ở Mỹ ghi nhận số ca mắc và tử vong COVID-19 giảm, họ cũng phải cần phải chờ một thời gian nữa để mối đe dọa thực sự kết thúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn