MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số tờ lịch năm 1996 được rao bán trên mạng ở Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình Weibo

Lịch năm 1996 được người Trung Quốc săn lùng

Linh Nhi LDO | 15/01/2024 17:58

Người Trung Quốc đổ xô mua lịch năm 1996 bởi có sự trùng hợp ngẫu nhiên với năm 2024.

Năm 1996 và năm 2024 đều là năm nhuận và ngày 1.1 rơi vào thứ Hai. Sự trùng hợp ngẫu nhiên làm dấy lên hoài niệm về những năm 1990 - theo SCMP.

Giá của những cuốn lịch theo phong cách cổ điển dao động từ 5 nhân dân tệ (17.000 đồng) đến hơn 1.000 nhân dân tệ (3,4 triệu đồng) trên Xianyu, ứng dụng giao dịch đồ cũ hàng đầu Trung Quốc.

Một trang trong cuốn lịch 28 năm tuổi có thể được bán với giá 60 nhân dân tệ (205.000 đồng).

Trong tuần qua, lượt tìm kiếm "lịch năm 1996" trên Xianyu đã tăng 600% và giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại, theo Economic View - cơ quan truyền thông thuộc sở hữu của hãng thông tấn nhà nước China News Service.

“Kể từ ngày 1.1 đến nay, khối lượng giao dịch hàng ngày của lịch 1996 có xu hướng cao hơn, đạt đỉnh điểm vào ngày 9.1 khi có hơn 400 người tìm kiếm từ khóa "lịch 1996" cùng lúc” - một nhân viên của Xianyu nói với Economic View.

Những cuốn lịch cổ điển đã trở thành một mặt hàng bán chạy ở nhiều nơi, được bán với giá lên tới 200 USD trên eBay.

Một số lịch năm 1996 được trang trí bằng các họa tiết truyền thống của Trung Quốc. Một số có in ảnh các thần tượng, bao gồm những người nổi tiếng nước ngoài và các nhân vật hoạt hình Mỹ và Nhật Bản như chuột Mickey, Ultraman và Cardcaptor.

Các loại lịch khác được rao bán có các yếu tố Trung Quốc hiện đại, chẳng hạn như hình ảnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, các trang báo nhà nước và hình ảnh của Câu lạc bộ bóng đá Guoan Bắc Kinh.

Một làn sóng hoài niệm những năm 1990 đã tràn qua mạng xã hội Trung Quốc sau loạt phim truyền hình Phồn hoa (Blossoms Shanghai) của đạo diễn Vương Gia Vệ phát trên truyền hình Trung Quốc.

Bộ phim Phồn hoa tái hiện Thượng Hải những năm 1990 - thời điểm tiền đổ vào đô thị lớn này. Bộ phim là câu chuyện vươn lên làm giàu của nhiều thanh niên giai đoạn ấy ở Thượng Hải khi Trung Quốc mở cửa với phương Tây.

Hàng nghìn người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những bức ảnh cá nhân chụp các thành phố lớn của Trung Quốc trong những năm 1990, bao gồm Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh.

“Tôi nhớ rằng Thượng Hải đã rất thịnh vượng vào những năm 1990, với ánh đèn neon trên đường Nam Kinh, thành phố về đêm ở ga xe lửa Thượng Hải mới, các nhà hàng hải sản trên đường Hoàng Hà và pháo hoa vào đêm giao thừa hàng năm” - người dùng có tên Xiaohongshu viết.

“Đó là thời điểm tràn ngập ánh đèn neon. Mọi người ăn mặc theo phong cách mới thể hiện cá tính riêng. Đó là thời kỳ bận rộn, thịnh vượng và bùng nổ” - một người khác viết.

Tuy nhiên, một số người những nơi khác ở Trung Quốc lưu ý rằng trải nghiệm những năm 1990 của họ hoàn toàn khác khi nền kinh tế địa phương của quê hương họ tụt hậu so với nền kinh tế của các siêu đô thị hàng đầu Trung Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn