MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên Hợp Quốc cảm ơn đóng góp của Việt Nam cho hoạt động gìn giữ hòa bình. Ảnh: UN

Liên Hợp Quốc đánh giá cao lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam

Khánh Minh LDO | 23/02/2022 07:30

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đang tích cực phục vụ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc bất chấp rủi ro cá nhân và làm việc trong điều kiện khó khăn, ngay cả trong những thách thức do COVID-19 gây ra. Chúng tôi cảm ơn họ vì sự phục vụ và hy sinh này - Liên Hợp Quốc cho biết trong bài đăng trên Facebook hôm 22.2.

Liên Hợp Quốc cảm ơn Việt Nam

Trước đó, ngày 21.2, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix cũng đã cảm ơn Việt Nam về sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cũng như những đóng góp của Việt Nam về nhân sự cho Liên Hợp Quốc.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, Việt Nam đã điều quân tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014 và kể từ đó, luôn có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực này. Việt Nam lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) vào tháng 10.2018. Tính tới nay, Việt Nam đã đóng góp 75 binh sĩ (trong đó có 16 binh sĩ nữ) và đứng thứ 62 trong các nước thành viên Liên Hợp Quốc về số lượng binh sĩ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Hiện các binh sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại phái bộ của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Việt Nam cũng cam kết sẽ sớm cử quân tham gia làm nhiệm vụ trong Lực lượng an ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc tại Abyei, khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Lacroix đánh giá bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công chung của phái bộ Liên Hợp Quốc tại quốc gia Châu Phi này, đảm bảo sức khỏe và điều kiện y tế cho lực lượng cán bộ, binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành. Bên cạnh khám chữa bệnh, các y, bác sĩ quân y của Việt Nam còn tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức về các vấn đề lớn như đại dịch COVID-19, HIV/AIDS và bạo lực giới tại địa bàn.

Ông Lacroix đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sĩ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn, đồng thời bày tỏ tiếc thương trung tá Đỗ Anh, người đã hy sinh đầu năm nay trong khi đang làm nhiệm vụ ở phái bộ Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Lacroix đưa ra những đánh giá về Việt Nam nhân dịp Liên Hợp Quốc phát động chương trình truyền thông quốc tế với chủ đề "Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Sứ mệnh và sự hy sinh" nhằm tôn vinh và tri ân các nước đã cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong những năm qua.

Việt Nam cũng là nước đã tán thành sáng kiến Hành động vì gìn giữ hòa bình (A4P) của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc với mục tiêu tập trung hoạt động gìn giữ hòa bình vào các nhiệm vụ mang tính mục tiêu, thực thi các hoạt động mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các binh sĩ, đồng thời vận động ủng hộ các giải pháp chính trị cũng như thành lập các lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt hơn tại các quốc gia liên quan.

Đóng góp của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc

Trang moderndiplomacy.eu vừa đăng bài viết đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ, đáp ứng niềm tin được cộng đồng quốc tế giao phó.

Trong hai năm làm việc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đề ra chính sách đối ngoại của mình theo hướng tự cường, thúc đẩy hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia, củng cố các cấu trúc đa phương và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Việt Nam kiên định chủ trương vì một thế giới không còn chiến tranh và xung đột, đồng thời xây dựng mục tiêu chung là hòa bình quốc tế cùng với xóa bỏ đói nghèo và bất bình đẳng. Việt Nam cũng nêu vấn đề về phụ nữ trong các khía cạnh hòa bình và xung đột và những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại các khu vực xung đột.

Trong thời gian Việt Nam giữ vai trò chủ tịch, ảnh hưởng của đại dịch là thực sự rất lớn và trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thể hiện sự khôn khéo trong ngoại giao qua việc thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế do các điều kiện của đại dịch.

Danh sách các ưu tiên mà Việt Nam đưa ra cho nhiệm kỳ 2020-2021 chủ yếu tập trung vào giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, tăng cường thực hiện chương VI của Hiến chương Liên Hợp Quốc, giải quyết hậu quả của xung đột vũ trang, hợp tác trong xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và nêu bật các giải pháp thực tế trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn