MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên Hợp Quốc thông qua hiệp ước về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) ngày 19.6. Ảnh: UN

Liên Hợp Quốc thông qua hiệp ước biển cả

Thanh Hà LDO | 20/06/2023 08:42

Hiệp ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ biển cả được thông qua ngày 19.6 tại Liên Hợp Quốc. Đây là hiệp ước môi trường lịch sử được thiết kế để bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng với lịch sử nhân loại. 

"Đây là một thành tựu to lớn, là thành tựu mà chúng tôi đã ăn mừng khi văn bản hoàn thiện vào tháng 3. Việc thông qua văn bản sẽ chính thức hoá thành tựu đó, tạo ra lộ trình thực sự cho các bước tiếp theo" - Liz Karan - tổ chức phi Chính phủ Pew Charitable Trusts - chia sẻ với AFP. 

Hiệp ước mang tính bước ngoặt này sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lí để mở rộng các biện pháp bảo vệ môi trường tới các vùng biển quốc tế vốn chiếm hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới.

Sau hơn 15 năm thảo luận, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cuối cùng đã nhất trí về văn bản của hiệp ước vào tháng 3 năm nay. 

Kể từ đó, văn bản đã được các luật sư và dịch giả của Liên Hợp Quốc nghiên cứu để đảm bảo khớp với 6 ngôn ngữ chính thức của cơ quan toàn cầu. 

“Các đại dương trong lành, từ vùng nước ven biển đến vùng biển cả và khu vực đáy biển sâu, là không thể thiếu với sức khỏe, sự an lành và sống còn của con người" - một nhóm các nhà khoa học lưu ý trên tạp chí The Lancet. 

Các nhà khoa học ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các đại dương, nơi tạo ra hầu hết lượng ôxy của Trái đất, giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua hấp thụ CO2 và là nơi lưu trữ các khu vực đa dạng sinh học phong phú, thường ở cấp độ vi mô. 

Tuy nhiên, rất nhiều đại dương trên thế giới nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia và do đó việc bảo vệ biển cả đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế.

Trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, từ lâu biển cả chưa có được sự quan tâm đúng mức bởi sự chú ý thường tập trung vào các khu vực ven biển và một số loài mang tính biểu tượng. 

Một công cụ quan trọng của hiệp ước biển cả của Liên Hợp Quốc là khả năng tạo ra một khu vực biển được bảo vệ trong vùng biển quốc tế. Hiện nay, chỉ 1% vùng biển cả được bảo vệ bằng những biện pháp bảo tồn. 

Hiệp ước được coi là rất quan trọng để các quốc gia bảo vệ 30% đại dương và đất liền của thế giới vào năm 2030, như đã được các chính phủ trên thế giới đồng ý trong một hiệp định lịch sử riêng biệt đạt được tại Montreal, Canada vào tháng 12 năm ngoái. 

Chuyên gia Chris Thorne của Greenpeace cho biết, khi hiệp ước biển cả được thông qua "thì cuộc đua phê chuẩn sẽ bắt đầu" và mục tiêu 30% "sẽ vẫn nằm trong tầm tay".

Hiệp ước - có tên chính thức là Hiệp ước về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) - cũng có những yêu cầu về thực hiện các nghiên cứu tác động môi trường với những hoạt động được đề xuất thực hiện ở vùng biển quốc tế.

Những hoạt động như vậy, dù không được liệt kê trong hiệp ước, sẽ bao gồm mọi thứ từ đánh bắt cá và vận tải hàng hải đến những mục tiêu gây tranh cãi hơn, như khai thác mỏ dưới biển sâu hoặc các chương trình địa kĩ thuật nhằm chống nóng lên toàn cầu.

Sau khi hiệp ước được thông qua, cần phải chờ thời gian để xem có bao nhiêu quốc gia sẽ quyết định tham gia, AFP lưu ý. 

Các tổ chức phi chính phủ tin rằng, có thể đạt được ngưỡng 60 phê chuẩn cần thiết để hiệp ước có hiệu lực vì liên minh High Ambition Coalition for the BBNJ để thúc đẩy hiệp ước gồm ít nhất 50 quốc gia, bao gồm cả những nước thuộc Liên minh châu Âu, cũng như Chile, Mexico, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc có 193 quốc gia thành viên và việc đạt được 60 quốc gia thành viên thông qua là chưa đủ rộng rãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn