MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã ủng hộ đề xuất về cơ quan kiểm soát trí tuệ nhân tạo toàn cầu. Ảnh: AFP

Liên Hợp Quốc ủng hộ ý tưởng về cơ quan giám sát AI toàn cầu

Anh Vũ LDO | 13/06/2023 10:58

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ủng hộ đề xuất về việc thành lập một cơ quan giám sát trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 12.6 ủng hộ đề xuất của một số giám đốc điều hành công nghệ trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI) về việc thành lập một cơ quan giám sát AI quốc tế, hoạt động như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Công nghệ AI sáng tạo có thể đưa ra câu trả lời từ lời nhắc văn bản đã thu hút sự chú ý của công chúng kể từ khi ChatGPT ra mắt 6 tháng trước và trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất mọi thời đại. AI cũng trở thành tâm điểm lo ngại về khả năng tạo ảnh deepfake và phát tán các thông tin sai lệch khác. 

Deepfake là phương tiện tổng hợp được điều khiển bằng kĩ thuật số để thay thế chân dung của người này bằng chân dung của người khác.

Ông Guterres nói với các phóng viên: "Những hồi chuông báo động về dạng trí tuệ nhân tạo mới nhất đang được gióng lên mạnh mẽ. Công nghệ này đang phát triển mạnh từ khi những nhà phát triển đã thiết kế ra nó. Chúng ta phải thực hiện những cảnh báo đó một cách nghiêm túc".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc công bố kế hoạch bắt đầu làm việc với một cơ quan tư vấn AI cấp cao vào cuối năm nay để thường xuyên xem xét các thỏa thuận quản trị AI và đưa ra các khuyến nghị về cách chúng có thể phù hợp với nhân quyền, pháp quyền và lợi ích chung.

"Tôi ủng hộ ý tưởng rằng chúng ta có thể có một cơ quan quản lí trí tuệ nhân tạo lấy cảm hứng từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ngày nay", ông nói thêm.

Ông Guterres cho biết, một mô hình như vậy có thể "rất thú vị", nhưng lưu ý rằng "chỉ các quốc gia thành viên mới có thể tạo ra nó, chứ không phải Ban thư ký của Liên Hợp Quốc".

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có trụ sở tại Vienna, được thành lập vào năm 1957, có nhiệm vụ thúc đẩy việc sử dụng an toàn, bảo mật và hòa bình các công nghệ hạt nhân, theo dõi các vi phạm có thể xảy ra đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tổ chức này có tới 176 quốc gia thành viên.

OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT - cho biết vào tháng trước rằng một cơ quan như IAEA có thể đặt ra các hạn chế đối với việc triển khai, kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và theo dõi việc sử dụng sức mạnh tính toán của trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng ủng hộ ý tưởng này của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và cho biết ông muốn nước Anh trở thành nơi áp dụng quy định an toàn AI toàn cầu. Anh dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay về cách phối hợp hành động quốc tế có thể giải quyết các rủi ro của AI.

Ông Guterres cho biết có kế hoạch bổ nhiệm một ban cố vấn khoa học trong những ngày tới, bao gồm các chuyên gia AI và các nhà khoa học hàng đầu từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn