MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mảnh vỡ của MH370 được trưng bày trong cuộc họp báo ở Maputo, thủ đô Mozambique, tháng 3.2016. Ảnh: Xinhua

Liên lạc vệ tinh cuối cùng của MH370 cung cấp manh mối mới

Ngọc Vân LDO | 23/08/2024 10:48

Nghiên cứu mới ủng hộ giả thuyết phi công MH370 cố tình làm rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo một nghiên cứu mới, bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ xung quanh vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có thể sắp được giải đáp.

Nhà nghiên cứu Vincent Lyne của Đại học Tasmania (Australia) đã đưa ra giả thuyết đột phá dựa trên thông tin liên lạc vệ tinh cuối cùng nhận được từ chuyến bay xấu số.

Chuyến bay MH370 biến mất vào ngày 8.3.2014 với 239 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.

Các giả thuyết trước đây cho rằng, máy bay đã lao xuống với tốc độ cao không thể kiểm soát do cạn kiệt nhiên liệu.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Lyne - sắp được công bố trên Tạp chí Journal of Navigation - thách thức giả thuyết này.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Lyne chỉ ra rằng, các tín hiệu vệ tinh cuối cùng có thể cho thấy một cuộc hạ cánh có chủ ý và có kiểm soát.

Nghiên cứu khẳng định, thay vì lao thẳng xuống không kiểm soát, máy bay có thể đã được cố tình hướng dẫn lao xuống phía đông.

Giả thuyết này dựa trên phân tích của Tiến sĩ Lyne về thông tin liên lạc cuối cùng của máy bay và đánh giá thiệt hại do nhà điều tra MH370 người Canada Larry Vance thực hiện.

Larry Vance là tác giả cuốn sách "MH370 Mystery Solved" (Tạm dịch: Bí ẩn MH370 được giải mã).

Phân tích của Tiến sĩ Lyne trái ngược với các giả thuyết trước đó cho rằng, việc MH370 rơi là do thiếu nhiên liệu, dẫn đến việc máy bay lao xuống nhanh chóng và không kiểm soát được.

Thay vào đó, ông cho rằng, máy bay hạ cánh có kiểm soát, phù hợp với giả thuyết cơ trưởng MH370 có thể đã lên kế hoạch tỉ mỉ để máy bay biến mất ở Nam Ấn Độ Dương.

Những phát hiện mới cho thấy “phi công chủ mưu” đã thực hiện vụ mất tích gần như hoàn hảo, chỉ bị gián đoạn khi cánh phải của máy bay va vào sóng.

Tàu Haixun 01 của Trung Quốc tham gia tìm kiếm MH370, tháng 4.2014. Ảnh: Xinhua

Tiến sĩ Lyne đã so sánh thiệt hại ở cánh và cánh tà của MH370 với kịch bản “hạ cánh có kiểm soát”, tương tự như trường hợp hạ cánh khẩn cấp do cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger thực hiện trên sông Hudson (Mỹ) năm 2009.

Theo Tiến sĩ Lyne, các mô hình hư hại do mảnh vỡ đều cho thấy máy bay cố tình lao xuống chứ không phải là một vụ va chạm không thể kiểm soát được.

Năm 2022, một người đàn ông tuyên bố tìm thấy một phần cánh của MH370 trôi dạt vào bãi biển ở Madagascar.

Tiến sĩ Lyne cũng ủng hộ việc xây dựng một khu vực tìm kiếm MH370 có mục tiêu ở Nam Ấn Độ Dương dựa trên nghiên cứu của mình. Ông kêu gọi các nỗ lực điều tra trong tương lai tập trung vào khu vực này nhằm thu hẹp vùng tìm kiếm MH370.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn