MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: AFP

Liệu con người có thể cạn kiệt ý tưởng?

Nguyễn Hạnh LDO | 05/01/2022 21:05
Con người không ngừng tạo ra những ý tưởng - từ những suy nghĩ vụn vặt như cách sắp xếp tủ quần áo sao cho gọn gàng cho đến những khái niệm phức tạp như thuyết tương đối. Với phạm vi rộng lớn đó, liệu nhân loại có bao giờ cạn kiệt ý tưởng?

Theo định nghĩa đơn giản nhất, ý tưởng là một suy nghĩ hoặc quan điểm được hình thành hoàn chỉnh, nghĩa là ngay cả những ý tưởng trần tục, như cách sắp xếp một bó hoa đẹp nhất, cũng được coi là ý tưởng mới. 

Và theo định nghĩa đó, "câu trả là không" - giáo sư David O'Hara từ Đại học Augustana (Mỹ) nói với Live Science.

Ngay cả khi chúng ta xét đến những ý tưởng hữu ích, những ý tưởng lớn, hấp dẫn hoặc những khám phá mới, câu trả lời vẫn là không, giáo sư O'Hara cho hay.

Mặc dù các tế bào não của bộ não chúng ta và các kết nối giữa chúng là hữu hạn, nhưng vẫn có vô số cách kích hoạt chúng để tạo ra những suy nghĩ thoáng qua có thể hình thành thành ý tưởng.

Vậy còn những ý tưởng có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại thì sao? Đối với câu hỏi liệu nhân loại có thể cạn kiệt những ý tưởng hữu ích, quan trọng, đẹp đẽ hay thực sự mới lạ - chẳng hạn như một bản giao hưởng của Mozart hay một loại năng lượng tái tạo hiệu quả và giá cả phải chăng, giáo sư O'Hara nói rằng câu trả lời là "có thể".

"Có thể" ở đây không có ý nói rằng những ý tưởng hay, hữu ích và thú vị của con người là có giới hạn. Nó chỉ "có thể" cạn kiệt khi con người ngừng tò mò. Khi chúng ta ngừng băn khoăn về thế giới, về vũ trụ, về mọi thứ, thì chúng ta sẽ mất khả năng nhận thức những ý tưởng mới.

Một nghiên cứu cho thấy, các hệ thống giáo dục ưu tiên phần thưởng dưới hình thức cho điểm "có xu hướng làm giảm mạnh tính sáng tạo, làm giảm hứng thú, phản tác dụng đối với việc học, tạo điều kiện cho những suy nghĩ nông cạn, khiến mọi người né tránh các nhiệm vụ khó khăn và có xu hướng giảm khả năng mạo hiểm và khám phá - Phó Giáo sư Tâm lý và Khoa học não bộ Robert Reinhart từ Đại học Boston (Mỹ) cho biết.

"Loại bỏ phần thưởng và sự cạnh tranh, đồng thời thiết lập môi trường làm việc và học tập khuyến khích sự tò mò, hợp tác và tư duy phản biện, độc lập, sẽ là cách để tạo điều kiện cho những ý tưởng lớn, mới" - ông Reinhart nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn