MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lộ diện ''hung thủ'' gây thảm họa lũ lụt 200 người chết ở Ấn Độ

Bảo Châu LDO | 11/06/2021 19:08
Các nhà khoa học đã giải mã được bí ẩn đằng sau trận lũ lụt kinh hoàng khiến 200 người chết ở Ấn Độ hồi tháng 2.

Business Insider đưa tin, theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 10.6, một khối đất đá và băng tuyết có kích thước lớn tới 550m - tương đương gấp 4 lần chiều dài của một trong những tòa chọc trời cao nhất thế giới là Empire State ở Mỹ - là nguyên nhân gây ra trận lũ lụt kinh hoàng ở miền bắc Ấn Độ hồi tháng 2.2021 khiến hơn 200 người thiệt mạng và phá hủy 2 nhà máy điện.

Thảm họa xảy ra ngay trước bình minh ngày 7.2, một mảng đất đá lớn đã phá vỡ sông băng trên đỉnh Ronti thuộc dãy Himalaya của Ấn Độ. Khối đất đá này đang ở độ cao 5.486m so với mặt đất, đã bị rơi khoảng 1,6km xuống thung lũng bên dưới với tốc độ 215km/h.

Khi tiếp đất, khối đá vỡ ra và băng tan chảy, tạo ra một bức tường nước lớn cùng các mảnh vỡ nhanh chóng đổ xuống thung lũng sông bên dưới. Khối hỗn hợp khổng lồ đổ dồn về các nhà máy thủy điện Rishiganaga và Tapovan ở huyện Chamoli của Ấn Độ, cuốn phăng mọi thứ với tốc độ 90km/h khiến rất nhiều công nhân thiệt mạng hoặc mắc kẹt bên trong công trình xây dựng.

Mức độ nghiêm trọng của sự việc, còn được gọi là thảm họa Chamoli, ban đầu khiến các nhà khoa học bối rối. Theo ông Dan Shugar, nhà địa chất học tại Đại học Calgary của Canada và là đồng tác giả của nghiên cứu, thông thường, lở đất trong khu vực không kích hoạt lũ lụt nhanh hoặc phạm vi ảnh hưởng kéo dài như trận lũ kinh hoàng xảy ra vào tháng 2.

Nhóm của ông Shugar đã phát hiện ra các yếu tố chính có thể giải thích mức độ nghiêm trọng của thảm họa: Thành phần ban đầu của trận lở tuyết (khoảng 20% ​​là băng và 80% là đất đá), cùng với cú rơi dài hàng km của nó, dẫn đến một loạt các mảnh vỡ siêu di động trút xuống thung lũng bên dưới.

Các nhà nghiên cứu tính toán rằng trận lụt có thể tích 27 triệu mét khối - đủ để bao phủ hơn 1.600 sân bóng đá sâu trong 3m bùn đất mà vẫn có dư.

Bằng cách phân tích bản đồ địa hình của các thung lũng, đoạn phim video về sự kiện và dữ liệu động đất trong khu vực, nhóm nghiên cứu đã có thể tái tạo lại những gì đã xảy ra.

Lũ lụt và lở đất không phải là hiếm ở bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ. Vào năm 2013, lượng mưa lớn đã gây ra lũ lụt tàn phá trong khu vực khiến hơn 5.700 người thiệt mạng.

Theo ông Shugar, căn cứ trên bằng chứng từ các khu vực miền núi khác nhau, trong đó có Alaska, cho thấy các vụ lở đất liên quan đến sông băng đang gia tăng tần suất khi khí hậu ngày càng ấm lên.

Ông nói: “Tôi dự báo điều tương tự sẽ xảy ra ở vùng núi cao Châu Á''.

Nhiệt độ bề mặt và không khí tăng cao có liên quan đến sự bất ổn ở các sông băng và ngày càng có nhiều khả năng xảy ra lở đất ở vùng núi. Trái đất càng ấm lên, các sông băng càng thu hẹp.

Trong một thông cáo báo chí, Holger Frey - một nhà băng học tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ - nhận định: “Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi thảm họa lớn tiếp theo sẽ xảy ra ở đâu đó trên dãy Himalaya''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn