MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen trước các cuộc đàm phán hậu Brexit. Ảnh: AFP

Lỡ hạn chót, Anh-EU lo ngại Brexit không thoả thuận

Khánh Minh LDO | 14/12/2020 18:40
Anh và EU quyết định gia hạn các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit sau thời hạn chót ngày 13.12.

Theo Reuters, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cho các nhà đàm phán thời hạn cuối cùng vào ngày 13.12 để tìm cách giải quyết bế tắc về các thỏa thuận để đảm bảo Anh được miễn thuế và không chịu hạn ngạch đối với thị trường EU.

Tuy nhiên, thời hạn chót bị bỏ lỡ, song Anh và EU vẫn quyết sẽ “đi xa hơn”, yêu cầu tiếp tục xúc tiến các cuộc đàm phán, với hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận thương mại vừa lòng cả hai bên cho giai đoạn hậu Brexit.

Thủ tướng Johnson và Chủ tịch von der Leyen nói trong một tuyên bố chung: “Mặc dù đã kiệt sức sau gần một năm đàm phán, mặc dù thực tế là thời hạn chót đã bị bỏ lỡ nhiều lần, chúng tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, chúng tôi có trách nhiệm phải đi xa hơn”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại Berlin: “Mọi cơ hội đạt được thỏa thuận đều rất được hoan nghênh”. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh, các bên cần nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận “tốt”.

Anh rời EU vào tháng Giêng nhưng vẫn là một thành viên không chính thức cho đến ngày 31.12 - kết thúc giai đoạn chuyển tiếp trong đó nước này vẫn nằm trong thị trường chung và liên minh thuế quan của EU.

Thủ tướng Johnson cho biết hai bên sẽ cố gắng sáng tạo nhất có thể, nhưng Anh không thể thỏa hiệp về các “lằn ranh đỏ”, chính vì vậy lựa chọn có khả năng xảy ra nhất là Brexit không thỏa thuận, và trong trường hợp đó, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới như áp đặt thuế quan và hạn ngạch.

Một Brexit không có một thỏa thuận thương mại sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế của Châu Âu, tác động nặng nề đến các thị trường tài chính, tắc nghẽn biên giới và gây hỗn loạn cho các chuỗi cung ứng trên khắp Châu Âu và xa hơn nữa.

Anh và EU hiện bất đồng về việc đạt được thỏa thuận liên quan đến quyền đánh bắt cá trong vùng biển của Anh. EU cảnh báo Anh phải đối mặt với hậu quả nếu trong tương lai nước này đi chệch các quy tắc của EU về cạnh tranh công bằng - cái mà Anh gọi là một sân chơi bình đẳng. Ngoài ra, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về giải quyết tranh chấp.

Chính phủ Anh cảnh báo rằng, ngay cả khi có thỏa thuận thương mại, 7.000 xe tải hướng đến các cảng Channel ở đông nam nước Anh có thể bị xếp hàng dài 100 km nếu các công ty không chuẩn bị thêm các thủ tục giấy tờ cần thiết.

Anh dự kiến ​​sẽ đẩy nhanh việc di chuyển một số hàng hóa dễ hư hỏng khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31.12 tới để giúp giảm sự gián đoạn dự kiến ​​tại các cảng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, 4 tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ sẵn sàng vào ngày 1.1.2021 để giúp bảo vệ vùng biển đánh cá của Anh trong trường hợp không có thỏa thuận. Đã có những lo ngại về các cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa các tàu cá của Anh và nước ngoài theo kịch bản không thoả thuận vì các quy tắc hiện hành cho phép tàu thuyền của EU tiếp cận vùng biển của Anh sẽ hết hiệu lực.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nói với đài phát thanh France Inter rằng EU sẽ giữ bình tĩnh. “Tôi sẽ không nói rằng thuyền của chúng tôi lớn hơn của họ, bởi vì tôi cố gắng nghiêm túc. Về phía Châu Âu, chúng tôi sẽ giữ bình tĩnh” - ông Charles Michel nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn