MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Jamu là loại nước thảo dược truyền thống đang được ưa chuộng tại Indonesia. Ảnh: CNA

Lo sợ dịch bệnh, dân Indonesia săn lùng thảo mộc tự nhiên

Bảo Châu LDO | 12/03/2020 18:34
Trong bối cảnh mối lo ngại về dịch bệnh COVID-19 ngày càng gia tăng, các phương thuốc thảo dược truyền thống ở Indonesia bất ngờ được người dân ưa chuộng và săn lùng rộng rãi.

Tờ CNA đưa tin, củ nghệ Java, gừng đỏ, sả và quế - những nguyên liệu cần thiết để làm một loại nước thảo dược truyền thống của Indonesia tên gọi “Jamu” - đang bán sẵn tại các khu chợ, với giá bán đã tăng vọt lên 150% kể từ tuần trước.

Những người bán hàng rong cũng nhanh chóng chớp thời cơ kinh doanh nước Jamu vì giờ đây mọi người đều tìm đến các phương thuốc truyền thống để tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại virus.

Bà Henny Harsono, 63 tuổi, một người cả đời trung thành với thứ nước truyền thống Jamu, cho biết các con của bà ở độ tuổi 30 đã bắt đầu mang Jamu theo tới văn phòng làm việc để uống kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lây lan bên ngoài Trung Quốc.

Bà Parinem, thâm niên bán rau 25 năm ở chợ, đang bán đắt hàng các loại thảo mộc tự nhiên. Ảnh: CNA 

Bà Parinem, một người bán rau ở chợ, cho biết khách hàng đổ xô mua tất cả các loại thảo mộc của bà khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố hai trường hợp COVID-19 đầu tiên ở nước này vào 2.3.

Nhu cầu tăng cao đã đẩy giá một kg củ nghệ Java từ 2,78 USD lên 6,95 USD vào tuần trước.

Giá sả cũng tăng gấp đôi lên 4,17 USD trong khi gừng đỏ được bán ở mức 10,425 USD/kg, trước khi giảm nhẹ xuống 8,34 USD trong tuần này.

“Mặc dù giá cả đắt đỏ, nhưng số nghệ Java của tôi đã được bán hết trong hai ngày đầu tiên”, bà Parinem cho biết. Mặc dù đã bán rau ở chợ trong suốt 25 năm nhưng bà cho biết tình trạng này chưa bao giờ xảy ra, kể cả khi bị cúm gia cầm, Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) bùng phát.

Bà Surini, 62 tuổi, một người bán rong nước Jamu trong chai tự pha chế tại chợ truyền thống, cho biết bà thường bán khoảng 50 chai mỗi ngày, nhưng bây giờ bà có thể bán được khoảng 70 chai với giá cao gấp rưỡi khoảng 1 USD/chai 330 ml.

Bà Surini, 62 tuổi, người bán hàng rong nước Jamu tại Indonesia. Ảnh: CNA 

Trong khi đó, anh Rizky Fajri - một nhân viên nhà thuốc tại một chợ ở Indonesia cũng cho biết rằng thuốc bổ thảo dược đang có nhu cầu cao, đặc biệt là những loại có chứa tinh bột nghệ Java, được tìm kiếm rất nhiều. Đồ uống thảo dược và thức uống hỗn hợp dạng bột truyền thống cũng là lựa chọn phổ biến của các khách hàng.

Anh Rizky Fajri, nhân viên một nhà thuốc cho biết các loại thuốc bổ thảo dược đang được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: CNA 

Nhận xét về việc người dân thi nhau uống Jamu và tiêu thụ các thuốc bổ truyền thống, Tiến sĩ Erlina Burhan, phát ngôn viên Lực lượng chuyên trách dịch bệnh COVID-19 của Hiệp hội Y khoa Indonesia, cho biết các phương thuốc thảo dược không phải là thuốc chống virus SARS-CoV-2. Các loại thảo mộc chỉ có thể là chất chống oxy hóa. 

Tổ chức Y tế Thế giới đăng tải trên trang thông tin của tổ chức cho hay, trong khi một số bài thuốc phương Tây, truyền thống hoặc tự chế tại nhà có thể giúp thư giãn và giảm bớt các triệu chứng của COVID-19, nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy y học có thể ngăn ngừa hoặc chữa trị được căn bệnh do virus SARS-CoV-2.

Người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Đông y Indonesia Hardhi Pranata cho biết trong khi các nghiên cứu cho thấy một số loại thảo mộc là chất chống oxy hóa hoặc có đặc tính chống viêm, nhưng không có nghĩa là chúng có thể chống lại COVID-19. Ông khuyên mọi người nên phân biệt thảo dược hoặc Jamu với thuốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn