MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto trong cuộc họp báo chung tại trụ sở NATO ngày 24.1.2022. Ảnh: AFP

Lo xa hay tiện thể?

Ngạc Ngư LDO | 18/04/2022 11:03

Không phải mãi đến khi chiến sự bùng phát ở Ukraina giữa Nga và Ukraina thì ở Thụy Điển và Phần Lan mới dậy nên cuộc bàn luận và cả mưu tính ở phía chính quyền về việc từ bỏ chính sách trung lập truyền thống lâu nay để gia nhập NATO.

Hoàn tất quá trình đã khởi động từ lâu

Cả Thụy Điển và Phần Lan đã từ lâu đều nhìn nhận Nga là thách thức và đe doạ an ninh của 2 nước. Phần Lan có đường biên giới chung dài với Nga. Thụy Điển tuy không có biên giới chung trên bộ với Nga nhưng lại giáp biển Baltic.

Hai nước đều thiết lập quan hệ hợp tác rất chặt chẽ và sâu rộng với NATO về chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh đến mức bị coi là trên thực tế đã chân trong chân ngoài EU và ở giữa đồng minh và đối tác với NATO. Nhưng phải đến khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina thì cuộc bàn thảo và tính toán chính thức ở hai nước này mới có được định hướng rõ ràng hướng tới quyết định ngã ngũ cụ thể.

Gần đây, thủ tướng hai nước này gặp nhau và nhất trí với nhau về những bước đi tiếp theo. Theo đấy, Thụy Điển và Phần Lan sẽ đồng hành trên con đường gia nhập NATO và trước mắt để cho quốc hội thảo luận và quyết định. Tuy nhiên, dư luận cho rằng Phần Lan sẽ quyết định trước và có thể sẽ gia nhập NATO trước Thụy Điển.

Trên danh nghĩa, việc từ bỏ chính sách trung lập truyền thống là sự điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh mang dấu ấn của bước ngoặt lịch sử. Trong thực chất, việc gia nhập NATO trong thời gian tới đối với Thụy Điển và Phần Lan chỉ là sự hoàn tất một quá trình đã khởi động từ lâu mà cho tới nay hai nước này không vội vàng vận hành nó tới cái đích cuối cùng. Thụy Điển và Phần Lan đã từ lâu đâu có còn thật sự "trung lập" theo đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của ngôn từ nữa.

Cái giá rất đắt phải trả trên mọi phương diện

Với việc gia nhập NATO, hai nước này cần sự bảo hộ an ninh của NATO. NATO có quy định là những thành viên bị ai đó bên ngoài tấn công quân sự thì sẽ được tất cả các thành viên khác hợp sức bảo vệ. Ukraina hiện tại chỉ được NATO hậu thuẫn như có thể được về chính trị, quân sự và tài chính. NATO không thể tham chiến trực tiếp ở Ukraina vì Ukraina không phải là thành viên của NATO. Thụy Điển và Phần Lan tính toán rằng, tư cách thành viên NATO có hiệu ứng răn đe mạnh mẽ đối với Nga và sau khi Thụy Điển và Phần Lan tham gia NATO rồi thì Nga sẽ không dám tấn công hai nước này như hiện tại tấn công Ukraina.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Mở rộng NATO là một trong những nguyên do được phía Nga đưa ra để lý giải cho việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina. Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ vấp phải phản ứng rất quyết liệt từ phía Nga.

Nga không thể ngăn cản được việc Thụy Điển và Phần Lan tự quyết định gia nhập NATO nhưng Nga chắc chắn sẽ có những đối sách khiến cho hai nước này thấm thía cái giá rất đắt phải trả trên mọi phương diện theo hướng càng tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ NATO thì càng bị thách thức về an ninh từ phía khác. Một trong số những biện pháp đối phó của Nga có thể là triển khai quân đội đồn trú và cả vũ khí hạt nhân ở vùng biên giới với Phần Lan.

Một khi đã tham gia NATO thì Phần Lan và Thụy Điển phải tham chiến trực tiếp trong khuôn khổ những hoạt động hay chiến dịch quân sự chung của NATO, sẽ phải gia tăng ngân sách quốc phòng và chấp nhận để cho quân đội NATO đồn trú trên lãnh thổ. Đặc biệt là Phần Lan sẽ trở thành chiến địa trực tiếp của cuộc đối đầu giữa NATO và Nga nói riêng, giữa Phương Tây và Nga nói chung.

Tham gia NATO, hai nước này sẽ không còn có thể duy trì được ảnh hưởng và vai trò đặc thù của quốc gia trung lập trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế ở thời hiện đại. Bởi thế, cái giá mà hai nước này sẽ phải trả cho việc gia nhập NATO, dù bởi lo xa hay tiện thể có chuyện chiến sự ở Ukraina, đều không thể rẻ và không phải chỉ phải trả có một lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn