MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp. Ảnh: UNESCO

Lợi ích dẫn dắt hành động

Ngạc Ngư LDO | 19/06/2023 08:34

Quyết định của Chính phủ Mỹ tham gia trở lại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) được phía UNESCO hoan nghênh nhiệt liệt. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, coi đấy là sự thể hiện rất mạnh mẽ "lòng tin vào UNESCO và chủ nghĩa đa phương".

Quyết định này của phía Mỹ không gây bất ngờ vì thật ra đã được Mỹ đề cập từ khá lâu nay. Ngay từ cuối năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã giải ngân những khoản tiền cần thiết để Mỹ có thể tham gia trở lại và hoạt động trong UNESCO.

Mỹ là một trong những thành viên Liên Hợp Quốc sáng lập tổ chức UNESCO nhưng cho tới nay đã 2 lần rút khỏi UNESCO. Lần thứ nhất vào năm 1984 và Mỹ tham gia trở lại UNESCO vào năm 2003. Lần thứ 2 Mỹ rút khỏi tổ chức UNESCO là vào năm 2018.

Trước đó, vào năm 2011 - thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ - Mỹ tuyên bố ngừng thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính hàng năm của thành viên cho UNESCO khi tổ chức này kết nạp Palestine.

Với mức độ 22% ngân quỹ hoạt động hàng năm của UNESCO, Mỹ là thành viên đóng góp tài chính nhiều nhất cho ngân quỹ hoạt động hàng năm của UNESCO.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump thuộc phe đảng Cộng hoà quyết định rút nước Mỹ ra khỏi tổ chức UNESCO từ năm 2018. Ông Trump đưa ra lí do là UNESCO thù địch với Israel và hoạt động không hiệu quả thiết thực.

Bây giờ, Mỹ xin tham gia trở lại UNESCO và trang trải mọi nợ nần tài chính dồn góp lại đối với tổ chức này. Tới đây, Đại hội đồng UNESCO sẽ quyết định về việc Mỹ xin tham gia trở lại UNESCO. Đại đa số thành viên UNESCO đều thể hiện quan điểm, thái độ thuận cho việc Mỹ tham gia trở lại UNESCO.

Ở cả hai lần Mỹ rút khỏi và tham gia trở lại UNESCO, giữa các phe cánh chính trị ở Mỹ không có sự bất đồng quan điểm về quyết định của chính phủ rút khỏi hay tham gia trở lại UNESCO.

Ở lần trở lại UNESCO này, Mỹ công khai cho thấy lợi ích quyết định và dẫn dắt hành động. Khi rút khỏi UNESCO, Mỹ toan tính gây khó khăn và khó xử lớn cho UNESCO vì Mỹ là một trong những thành viên có ảnh hưởng chính trị lớn nhất và đóng góp tài chính nhiều nhất cho ngân quỹ hoạt động hàng năm của UNESCO.

Không có Mỹ, đúng là UNESCO có khó khăn nhưng vẫn hoạt động và phát triển. UNESCO đã không bị lụi bại vì không còn có Mỹ tham gia và đóng góp tài chính. Đấy là một lí do khiến Mỹ phải quyết định tham gia trở lại UNESCO. Thức thời và thực tế là phải nhanh chóng thay đổi tính toán và hành động khi thấy không đạt được mục tiêu đề ra.

Một lí do khác nữa không kém phần quan trọng, thậm chí có thể còn quan trọng hơn mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden không hề chủ ý giấu diếm là một số thành viên khác trong UNESCO đã tận dụng việc Mỹ rút ra khỏi UNESCO để gây dựng và tăng cường vai trò, vị thế và ảnh hưởng nổi trội trong UNESCO, thậm chí có thể tới mức chi phối và dẫn dắt tổ chức này.

Khoảng trống ảnh hưởng mà Mỹ để lại trong UNESCO đã nhanh chóng bị các thành viên khác lấp đầy. Mỹ tự rút ra khỏi cuộc chơi ở sân chơi UNESCO đồng nghĩa với việc Mỹ không còn có thể cùng xác định luật chơi nữa.

Mỹ đặc biệt quan ngại về vai trò, vị thế và ảnh hưởng ngày càng nổi bật của Trung Quốc trong UNESCO. Nếu không tham gia trở lại UNESCO thì Mỹ sẽ phó mặc cho Trung Quốc và các thành viên khác quyết định các tiêu chí và tiêu chuẩn, quy chế và cơ chế chung cho cả thế giới đang được các nước xây dựng nhằm chế tài nhiều nội dung và vấn đề mới nảy sinh, trong đó đặc biệt là sự phát triển và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.

Những chuyện mới này động chạm trực tiếp tới lợi ích trước mắt và lâu dài của Mỹ. Mỹ chủ trương cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc, nên sẽ không thể tránh khỏi bị thua thiệt nhiều nếu phó mặc hoàn toàn UNESCO cho Trung Quốc làm nơi vừa nắm ngọn cờ vừa chủ động phất cờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn