MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc tìm kiếm MH370 do Ocean Infinity thực hiện ở Ấn Độ Dương năm 2018. Ảnh: Ocean Infinity

Lời kêu gọi khẩn thiết của Malaysia sau vụ MH370 vẫn chưa được thực hiện

Thanh Hà LDO | 02/03/2024 09:38

Khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích ngày 8.3.2014, không ai ở thời điểm đó biết phải làm gì để tìm thấy chiếc máy bay mất tích.

MH370 mất tích là cơn ác mộng không hồi kết với gia đình của toàn bộ 277 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 777.

Sau 10 năm máy bay mất tích, các chuyên gia vẫn chỉ có thể tiếp tục đoán xem máy bay có thể ở đâu trong những khu vực chưa được khám phá của Ấn Độ Dương.

SCMP chỉ ra, điểm mấu chốt gây khó khăn cho việc theo dõi đường bay của MH370 là bộ phát đáp của máy bay - chịu trách nhiệm gửi thông tin cập nhật vị trí thường xuyên - đã bị tắt bằng tay chỉ hơn 1 giờ sau khi máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia để đi tới Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trong những ngày đầu của cuộc tìm kiếm MH370, các nhà điều tra tai nạn hàng không của Malaysia đã đề xuất Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) xem xét việc bắt buộc các máy bay thương mại phải trang bị hệ thống theo dõi theo thời gian thực để đảm bảo có đủ thông tin giúp xác định kịp thời vị trí khi máy bay gặp nạn.

"Điểm đáng lưu ý của vụ MH370 mất tích là máy bay đã biến mất trong khi hầu hết mọi người đều mong đợi một chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn như vậy sẽ được giám sát liên tục nhưng máy bay này đã tránh được việc bị phát hiện trong 10 năm nay" - Keith Tonkin, giám đốc điều hành tổ chức tư vấn rủi do và hoạch định chính sách hàng không Aviation Projects có trụ sở tại Australia, cho hay.

Tuy nhiên, một thập kỷ đã trôi qua, hàng không thương mại thế giới vẫn chưa thể áp dụng đầy đủ hệ thống mà Malaysia đề xuất, SCMP chỉ ra.

Trong báo cáo sơ bộ gửi lên ICAO một tháng sau khi MH370 mất tích, Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Malaysia cho hay, sẽ không thể xác định chính xác vị trí cuối cùng của máy bay do thiếu thông tin cập nhật thường xuyên về lộ trình bay.

Báo cáo chỉ ra, dù các máy bay thương mại hoạt động nhiều ở những khu vực xa xôi nhưng hiện chưa có yêu cầu nào về việc theo dõi máy bay theo thời gian thực.

Ngành hàng không toàn cầu và các nhà sản xuất máy bay đã đồng ý thành lập một nhóm đặc nhiệm chung giữa ICAO và các cơ quan quản lý khác để thảo luận về những cải tiến với các biện pháp an toàn bay sau vụ MH370.

Những cuộc thảo luận này dẫn đến phát triển Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng không toàn cầu (GADSS), trong đó yêu cầu các hãng hàng không cài đặt hệ thống báo cáo tự động trên các máy bay mới để gửi thông tin cập nhật thường xuyên về địa điểm.

GADSS dự kiến hoạt động ở 2 cấp độ - trong điều kiện bình thường, hệ thống sẽ gửi dữ liệu về vị trí của máy bay trong khoảng thời gian 15 phút.

Nhưng khi hoạt động của máy bay bị xâm phạm, hệ thống theo dõi sự cố tự động (ADT) sẽ kích hoạt và giảm mạnh thời gian gửi dữ liệu vị trí máy bay xuống còn 1 phút.

Theo SCMP, hiện nay, hầu hết hãng hàng không đã cài đặt để có khả năng theo dõi vị trí máy bay trong khoảng thời gian 15 phút.

Tuy nhiên, rất ít hãng thiết lập hệ thống ADT 1 phút, gần với hệ thống theo dõi thời gian thực mà Malaysia đề xuất năm 2014.

Các chuyên gia an toàn hàng không cho rằng, sự chậm trễ cũng có thể là bởi lợi nhuận của các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu tại công ty vệ tinh Inmarsat có trụ sở ở Anh, bộ phát đáp của MH370 bị tắt trước khi máy bay chuyển hướng. Các dữ liệu cho thấy, lộ trình của MH370 có thể kết thúc ở một khu vực của Ấn Độ Dương cách Perth, Australia khoảng 2.000 km.

Cuộc tìm kiếm MH370 chung của Australia, Trung Quốc và Malaysia đã kết thúc năm 2017 sau khi tìm kiếm trên diện tích 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương và tiêu tốn 200 triệu đô la Australia (130 triệu USD).

Nỗ lực tìm kiếm thứ hai của công ty Ocean Infinity (Mỹ) diễn ra năm 2018 nhằm tìm kiếm MH370 cũng kết thúc sau 90 ngày mà không phát hiện được gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn