MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sườn dốc Mount Sharp trên sao Hỏa do tàu thăm dò Curiosity của NASA chụp. Ảnh: NASA

Lớp vỏ sao Hỏa có thể duy trì sự sống nhờ quá trình tương tự Trái đất

Thanh Hà LDO | 16/08/2021 10:01
Dưới bề mặt sao Hỏa, quá trình phân ly do phóng xạ có thể cung cấp năng lượng cho sự sống của vi sinh vật.

Một số sự sống trên sao Hỏa có thể tìm được nơi ẩn náu bên dưới dù bề mặt hành tinh bị bão bụi, tia vũ trụ và gió mặt trời tàn phá.

Nghiên cứu mới về sao Hỏa đăng trên tạp chí Astrobiology xác định, quá trình phân ly do phóng xạ tương tự như trên Trái đất cũng có thể cung cấp năng lượng cho sự sống vi sinh vật ở dưới bề mặt hành tinh đỏ.

Trên Trái đất, sâu dưới bề mặt, các nguyên tố phóng xạ phân hủy các phân tử nước, tạo ra những thành phần có thể cung cấp năng lượng cho sự sống trong lòng đất. Quá trình phân ly do phóng xạ này đã duy trì vi khuẩn trong các vết nứt và lỗ đá riêng biệt, chứa đầy nước trong hàng triệu đến hàng tỉ năm.

Nhà khoa học hành tinh Jesse Tarnas tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Môi trường có cơ hội sinh sống tốt nhất trên sao Hỏa là bên dưới bề mặt".

Việc xem xét dưới bề mặt sao Hỏa có thể giúp các nhà khoa học hiểu được liệu sự sống có khả năng tồn tại hay không và những mẫu vật dưới bề mặt tốt nhất mà các nhà khoa học có là những thiên thạch từ sao Hỏa đã rơi xuống Trái đất.

Tarnas và các cộng sự đã đánh giá kích thước hạt, thành phần khoáng chất và sự phong phú của nguyên tố phóng xạ trong các thiên thạch sao Hỏa và ước tính độ xốp của lớp vỏ sao Hỏa bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh và tàu thăm dò sao Hỏa.

Miệng núi lửa ở cao nguyên phía nam sao Hỏa. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Châu Âu

Những thông tin này được đưa vào một mô hình máy tính mô phỏng quá trình phân ly do phóng xạ để xem việc tạo ra khí hydro và sunfat hiệu quả như thế nào. Đây là các thành phần hóa học có thể cung cấp năng lượng cho sự trao đổi chất của vi khuẩn dưới lòng đất.

Nhóm nghiên cứu thu được rằng, nếu có nước, sự phân giải phóng xạ dưới bề mặt sao Hỏa có thể đã duy trì các cộng đồng vi sinh vật trong hàng tỉ năm và có thể vẫn còn tới ngày nay.

Quá trình phân ly phóng xạ trên sao Hỏa từng được giới khoa học nghiên cứu trước đây, nhưng việc sử dụng đá trên sao Hỏa để định lượng khả năng sinh sống bên dưới bề mặt hành tinh như của nhóm nghiên cứu NASA là lần đầu tiên.

Tarnas và các đồng nghiệp cũng đánh giá sự phong phú tiềm năng của sự sống dưới bề mặt sao Hỏa và phát hiện có thể có tới một triệu vi sinh vật tồn tại trong một kilogam đá. Mật độ tương đương được các nhà địa chất phát hiện ở dưới bề mặt Trái đất.

Các mẫu thiên thạch dễ sinh sống nhất qua phân tích dường như được làm từ dăm kết lớp đất mặt (regolith breccia). "Chúng được cho là đến từ vùng cao nguyên phía nam của sao Hỏa, nơi địa hình cổ xưa nhất trên sao Hỏa" - nhà khoa học hành tinh Tarnas nói.

Nhà khoa học hành tinh Lujendra Ojha tại Đại học Rutgers, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết, sự sống dưới lòng đất cần có nước và vẫn chưa biết có nước ngầm trên sao Hỏa hay không. Việc xác định xem lớp vỏ sao Hỏa có nước hay không sẽ là một bước quan trọng tiếp theo và cuộc điều tra này giúp thúc đẩy việc tìm kiếm. "Ở đâu có nước ngầm, ở đó có thể có sự sống" - Ojoha nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn