MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Tam Hiệp xả lũ ngày 19.7.2020. Ảnh: AFP

Lũ lụt gây nguy cơ đe doạ an ninh lương thực tại Trung Quốc

Ngọc Vân LDO | 09/08/2020 11:01

Lũ lụt ở Trung Quốc hủy hoại mùa màng của nông dân, làm tăng giá và gây nguy cơ đe doạ an ninh lương thực.

Vào thời điểm này trong năm, lúa trồng trong trang trại của gia đình Bao Wentao lẽ ra đã sẵn sàng để thu hoạch. Nhưng năm nay, lũ lụt đã nhấn chìm những vùng đất rộng lớn ở miền nam Trung Quốc, bao gồm hơn 36 mẫu lúa mà Bao, 19 tuổi, và cha anh, trồng ở gần hồ Bà Dương.

”Mùa màng thất bát hoàn toàn. Lúa đã gần chín và chuẩn bị thu hoạch trước lũ. Nhưng bây giờ mọi thứ đã không còn nữa“ - Bao nói với CNN Business trong một cuộc phỏng vấn trên ứng dụng mạng xã hội WeChat, đồng thời cho biết thêm rằng, gia đình anh đã mất khoảng 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD).

Làng của Bao Wentao ở gần hồ Bà Dương ngập nặng, phá huỷ toàn bộ hoa màu. Ảnh: Bao Wentao/CNN

Nước lũ dâng cao làm vỡ đê bao hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây vào tháng trước, phá hủy hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp ở nơi được gọi là "vùng đất của cá và lúa". Lưu vực sông Dương Tử - trong đó bao gồm hồ Bà Dương và trải dài hơn 6.200km từ Thượng Hải ở phía đông đến biên giới Tây Tạng ở phía tây - chiếm 70% sản lượng gạo của Trung Quốc.

Đối với những người nông dân như cha con anh Bao, thiệt hại thật nặng nề. Mưa lũ không chỉ làm hỏng mùa màng mà họ sắp thu hoạch, mà quy mô của lũ lụt khiến họ không thể cứu vãn được gì từ năm nay.

“Đất vẫn còn ngập nước. "Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không thu hoạch được gì trong cả năm" - Bao nói.

Đập Tam Hiệp xả lũ đợt đầu tiên trong năm 2020. Ảnh: CGTN

Trận lụt tràn ngập trang trại của Bao và hơn 13 triệu mẫu đất trồng trọt là trận lụt tồi tệ nhất Trung Quốc phải trải qua trong nhiều năm. Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp của Trung Quốc ước tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của lũ lụt là 21 tỉ USD, do đất nông nghiệp, đường sá và các tài sản khác bị phá hủy. Khoảng 55 triệu người, bao gồm cả những nông dân như Bao, đã bị ảnh hưởng.

Hậu quả lũ lụt Trung Quốc là một tin xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang ở trong tình trạng mong manh vì đại dịch COVID-19. Trong khi đó, lũ lụt ở Trung Quốc có thể sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn: Dự kiến mưa lớn tiếp diễn trong suốt tháng này, và các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng, lũ lụt có thể lan rộng hơn về phía bắc, đe dọa đến thu hoạch lúa mì và ngô.

An ninh lương thực

Không rõ nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc có thể gặp rủi ro như thế nào, vì chính phủ chưa công bố chi tiết cụ thể về tình trạng sản xuất hiện tại.

Theo các nhà phân tích tại Nomura, nếu lũ lụt được kiềm chế vào cuối tháng 8, tăng trưởng GDP nông nghiệp có thể giảm gần 1% trong quý 3.2020, tương đương với hơn 1,7 tỉ USD sản lượng nông nghiệp bị mất. Số tiền đó dựa trên những thiệt hại được ghi nhận vào giữa tháng 7 tại 7 tỉnh miền nam bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Đất nông nghiệp bị ngập lụt ở huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 6.7.2020. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, các nhà phân tích tại công ty môi giới Trung Quốc Shenwan Hongyuan gần đây ước tính rằng, Trung Quốc có thể mất 11,2 triệu tấn lương thực so với năm ngoái, do diện tích đất trồng trọt bị phá huỷ vào giữa tháng 7. Con số đó sẽ tương đương với 5% lượng gạo mà Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, thiệt hại có thể còn tồi tệ hơn, theo phân tích của Nomura dựa trên dữ liệu về những cánh đồng hoa màu bị ngập lụt mà chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 7. Kể từ đó, diện tích đất trồng trọt bị thiệt hại đã tăng gần gấp đôi, theo Bộ Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, giá ngô ở Trung Quốc đã tăng cao, tháng trước cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhà cung cấp dữ liệu SCI của Trung Quốc đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm.

Trong khi đó, giá đậu tương cũng tăng vọt. Trong nửa đầu năm 2020, giá đậu tương trong nước đã tăng khoảng 30% so với cuối năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Các nhà phân tích từ Baocheng Futures, một công ty môi giới hợp đồng tương lai của Trung Quốc, cho rằng, sự tăng giá chủ yếu là do lo ngại về thời tiết khắc nghiệt ở các khu vực sản xuất đậu tương và sự bất ổn trong quan hệ Mỹ-Trung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn