MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lũ lụt phá hủy một cây cầu cổ từ thời Tống ở Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Lũ lụt Trung Quốc: Di tích hàng trăm tuổi trầm mình trong nước lũ

Thanh Hà LDO | 24/07/2020 18:12
Lũ lụt ở Trung Quốc năm nay khiến chi nhánh Gutang của Hải quan Cửu Giang - một trong những văn phòng hải quan cổ ở quận Liêm Khê, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, ngập trong nước lũ đã nửa tháng. 

Lũ lụt đe dọa tồn vong của di tích hàng trăm tuổi 

Ở bờ hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc -  nước lũ đã nhấn chìm cổng sắt, các cửa sổ và các cửa gỗ của tầng 1 chi nhánh Gutang của Hải quan Cửu Giang - một trong những văn phòng hải quan cổ đã được đưa vào danh sách bảo vệ quốc gia của Trung Quốc từ năm ngoái, Tân Hoa Xã cho biết. 

Hôm 12.7, mực nước tại hồ Bà Dương đã vượt mức an toàn 22,43 mét, gây nguy hiểm cho khu di tích chi nhánh Gutang của Hải quan Cửu Giang. 

"Năm nay, nước lũ thực sự rất mạnh, đặc biệt là tại hồ Bà Dương. Nếu địa điểm này bị chìm trong nước lũ quá lâu nó sẽ bị mục nát" - ông Zhu Ping - thuộc cơ quan bảo vệ di tích văn hóa huyện cho biết.

Di tích này ở thị trấn Gutang, cách thành phố Cửu Giang khoảng 13km. Di tích nằm ở chân núi Gutang và có hồ Bà Dương ở phía đông. Địa điểm này gồm 3 tòa nhà, trong đó có một văn phòng thuê, một văn phòng điều hành và một tòa ký túc xá. Cả khu bao phủ diện tích 2.028 mét vuông. Lịch sử hoạt động của địa điểm này đã bắt đầu từ 1723 và ngừng hoạt động năm 1931. 

Đây là cơ quan hải quan lịch sử duy nhất được bảo tồn tốt ở Giang Tây, có giá trị lịch sử và nghệ thuật đáng kể. Năm 1987, chi nhánh Gutang của Hải quan Cửu Giang được xếp hạng là di tích văn hóa cấp tỉnh được bảo vệ. 

Tuy nhiên, lũ lụt ở Trung Quốc năm nay không chỉ khiến du khách vắng bóng mà còn đe dọa sự tồn vong của di tích này.  "Trước đây, con đường phía trước cổng sắt cao 2m có thể để 2 chiếc ô tô cùng đi qua một lúc. Nhưng giờ đây nó chìm sâu trong nước" - Zhu nói. 

Theo ông, có một người bảo vệ ngoài 70 tuổi phụ trách trông giữ địa điểm này nhưng giới chức đã đưa ông về thành phố để tránh mưa lũ. 

Kịch bản nguy hiểm nhất xảy ra vào ngày 12.7, Zhu nói. "Nước chảy qua các cửa sổ vào trong sân trong ngày hôm đó và gần như đã đi tới phòng trưng bày. Nhiều phần của các tòa nhà đã ngâm trong nước nửa tháng nay" - Zhu cho biết. 

Ngay cả những người phụ trách di tích này như Zhu cũng phải đi thuyền để tới địa điểm này trong những ngày mưa lũ hiện nay. 

Giới chức địa phương có kế hoạch xin thêm kinh phí để sửa chữa những chỗ hư hỏng, đặc biệt là các bức tường. "Chúng tôi đang nghĩ về việc tạo ra một cánh cửa lớn chống lũ lụt. Chúng tôi không muốn lịch sử tan tành trong đống đổ nát" - ông nói.

500 di tích văn hóa Trung Quốc bị hư hại

Trung Quốc đã bước vào mùa mưa. Kể từ tháng 6, những trận mưa lớn liên tục đã gây ảnh hưởng nặng nề tới phần lớn miền nam Trung Quốc. Nước của nhiều con sông ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lớn đã vượt mức báo động. Phía bắc tỉnh Giang Tây cũng đã trải qua mưa lớn từ 6.7 với lượng nước dâng đáng kể ở các sông và hồ địa phương. 

Nước lũ cũng nhấn chìm vô số di tích văn hóa. Theo Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia (NCHA) Trung Quốc, tính tới 23.7, hơn 500 di tích văn hóa không thể di chuyển đã bị thiệt hại do lũ lụt ở miền nam Trung Quốc. 

Khu vực dọc sông Dương Tử là nơi có những di tích bị thiệt hại nghiêm trọng nhất do lũ lụt, Song Xinchao - phó lãnh đạo NCHA cho hay. Ông nhấn mạnh, một số cầu cổ, tường thành và các tòa nhà đã bị phá hủy. 

Ông Song cũng cho hay, NCHA đã phân bổ 3,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 500.000USD) cho quỹ của các khu vực bị ảnh hưởng để triển khai hoạt động cứu các di tích. Cơ quan này cũng đồng thời kêu gọi các chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cũng như công chúng hỗ trợ hoạt động này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn