MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lượng rác thải COVID-19 nặng bằng 2.000 xe buýt xâm nhập đại dương

Nguyễn Hạnh LDO | 10/11/2021 09:44

Gần 26.000 tấn rác thải liên quan đến đại dịch COVID-19, tương đương khối lượng của hơn 2.000 xe buýt hai tầng, đang xâm nhập vào đại dương.

Guardian dẫn báo cáo được công bố ngày 8.11 cho hay, kể từ khi bắt đầu đại dịch, ước tính có khoảng 8,4 triệu tấn rác được thải ra từ 193 quốc gia. 

Yiming Peng và Peipei Wu từ Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nói: "Đại dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu về nhựa sử dụng một lần, làm gia tăng áp lực đối với vấn đề rác thải nhựa toàn cầu vốn đã mất kiểm soát".

Họ nói thêm: "Nhựa thải ra có thể trôi một quãng đường dài trong đại dương, chạm trán với động vật hoang dã ở biển và có thể khiến chúng thương tích hoặc thậm chí tử vong".

Một báo cáo hồi tháng 3 cho biết một con cá bị mắc kẹt trong găng tay y tế đã được phát hiện trong quá trình dọn dẹp kênh ở Leiden, Hà Lan. Tại Brazil, mặt nạ bảo vệ PFF-2 đã được tìm thấy trong dạ dày của xác một con chim cánh cụt Magellanic.

Các nhà khoa học dự đoán, vào cuối thế kỷ này, hầu hết các loại nhựa liên quan đến đại dịch sẽ chất đống ở đáy biển và trên các bãi biển.

Nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy, 46% rác thải nhựa không được xử lý đúng cách đến từ Châu Á, tiếp theo là Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Khoảng 87,4% lượng rác thải là từ các bệnh viện và 7,6% được các cá nhân sử dụng. 

Hàng nghìn tấn khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ thử nghiệm và tấm che mặt đã trôi ra đại dương từ 369 con sông lớn kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đứng đầu trong số này là Shatt al-Arab ở đông nam Iraq - nơi mang theo 5.200 tấn rác thải ra đại dương. Sông Indus ở phía tây Tây Tạng mang 4.000 tấn và sông Dương Tử ở Trung Quốc 3.700 tấn. Ở Châu Âu, Danube là sông mang theo nhiều rác thải ra đại dương nhất với 1.700 tấn.

10 con sông hàng đầu vận chuyển 79% rác thải ra đại dương, 20 con sông hàng đầu chiếm 91% và 100 con sông hàng đầu chiếm 99%. Khoảng 73% lượng xả thải là từ các sông Châu Á, 11% là từ Châu Âu, phần còn lại là từ các châu lục khác.

Phát hiện cho thấy thế giới cần phải quản lý chất thải y tế tốt hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn