MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý do bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc dương tính trở lại

Lê Thanh Hà LDO | 16/04/2020 21:11

Các chuyên gia lý giải về bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hàn Quốc có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính đến chiều 16.4, Hàn Quốc đã ghi nhận 141 trường hợp có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh, trong đó có 34 người ở độ tuổi 20.

Giới chuyên gia nhận định tái phát hoặc xét nghiệm không nhất quán có thể là 2 nguyên do chính dẫn đến tình trạng trên, Reuters đưa tin.

Tái phát hay "tái hoạt động"

Mặc dù có thể số đông giới quan sát nghiêng về khả năng tái nhiễm, các chuyên gia của KCDC cho rằng điều này khó xảy ra. Thay vào đó, KCDC lý giải các trường hợp này thuộc dạng tái phát hoặc virus "tái hoạt động".

Các chuyên gia cho biết, tái phát có thể xảy ra khi trước đó một số bộ phận của virus rơi vào trạng thái không hoạt động trong một thời gian, hoặc do một số bệnh nhân có thể có các điều kiện thuận lợi hoặc khả năng miễn dịch yếu khiến virus dễ dàng "nổi dậy" tấn công cơ thể.

Kim Jeong-ki, một nhà virus học tại Đại học Dược Hàn Quốc, đã so sánh sự tái phát của virus sau khi điều trị giống như 1 một chiếc lò xo: "Khi bạn nén xuống, lò xo bị ép trở nên nhỏ hơn, rồi khi bạn bỏ tay ra thì nó lại bật nảy trở lại".

Giới chuyên gia nhận định, dù các bệnh nhân mắc COVID-19 được phát hiện đã tái phát thay vì bị tái nhiễm, điều này có thể báo hiệu những thách thức mới trong việc kiềm chế sự lây lan của virus.

Giáo sư Seol Dai-wu của Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc), một chuyên gia về phát triển vaccine cho biết, các cơ quan y tế Hàn Quốc hiện chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân có virus "tái kích hoạt" lây truyền cho người khác, tuy nhiên, nếu khả năng này được chứng minh thì sẽ là vấn đề lớn cần xem xét.

Xét nghiệm không nhất quán

Bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hàn Quốc được coi là khỏi bệnh sau khi đã cho kết quả âm tính hai lần trong khoảng thời gian 48 giờ. Mặc dù các xét nghiệm RT-PCR được sử dụng ở Hàn Quốc nhìn chung có độ chính xác cao, các chuyên gia cho rằng vẫn có những trường hợp phương pháp này cho kết quả sai hoặc không nhất quán. 

"Các xét nghiệm RT-PCR cho độ chính xác 95%. Con số này cho thấy vẫn có thể có từ 2-5% sai sót khi cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả", nhà virus học Kim Jeong-ki cho hay. Giáo sư Seol thì nhận định tàn dư của virus có thể tồn tại ở mức quá thấp để phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện.

Ngược lại, Phó Giám đốc KCDC Kwon Jun-wook cho hay, các xét nghiệm cũng có thể nhạy đến mức phát hiện được cả lượng virus ở mức cực kỳ thấp, tuy không gây hại nhưng lại dẫn đến kết quả dương tính ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục.

Theo giáo sư Eom Joong-sik, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Gil của Đại học Gachon (Hàn Quốc), nếu các mẫu cần thiết không được thu thập đúng cách, các xét nghiệm cũng có thể cho kết quả sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn