MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Iran đeo khẩu trang trên phố. Ảnh: AP

Lý do COVID-19 gây tử vong ở Iran cao thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc

Khánh Minh LDO | 25/02/2020 07:57
Iran đã trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 sau khi đột ngột có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Ngày 24.2, giới chức y tế Iran xác nhận 12 ca tử vong COVID-19 trong số 61 ca nhiễm ở nước này, trong khi một nghị sĩ ở thành phố tâm dịch tuyên bố số người chết là 50.

Dù số tử vong là 12 hay 50 cũng là con số đáng lo ngại và cho đến nay vẫn cao hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và Italia - các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc.

COVID-19 đến Iran như thế nào?

Tuần trước Iran khẳng định không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào, song đến ngày 19.2, chính quyền Iran xác nhận cái chết của 2 người già ở thành phố Qom, cách thủ đô Tehran khoảng 14 km về phía nam, sau đó là nhiều trường hợp tử vong trong những ngày tiếp theo .

Vào ngày 24.2, các quan chức thông báo số người chết lên 12, từ 8 ca ngày hôm trước - khiến Iran trở thành nước nguy hiểm nhất về COVID-19 bên ngoài Trung Quốc.

Ahmad Amirabadi Farahani, một nhà lập pháp của thành phố Qom, cùng ngày 24.2 cho biết đã có 50 người chết, tuyên bố chính phủ công bố dịch chậm trễ và thành phố của ông không được trang bị đầy đủ để đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi đã tranh luận về những tuyên bố đó trong một cuộc họp báo trên truyền hình nhà nước, cam kết từ chức nếu số người chết thậm chí là 1/4 của 50.

Hầu hết các trường hợp tử vong có liên quan đến những người sống hoặc đến thăm Qom, trung tâm của người Hồi giáo Shia trong nước và trên khắp thế giới Hồi giáo, nhưng quan chức Bộ Y tế Minou Mohrez hôm 21.2 cảnh báo rằng có khả năng virus có mặt ở tất cả các thành phố trong nước.

Asif Shuja, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, trong lịch sử gần đây, Iran không có kinh nghiệm đối phó với sự bùng phát của bệnh dịch có quy mô như COVID-19 hiện tại. Đáng chú ý, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) gần đây có ảnh hưởng rất ít đến Iran.

Sau khi các quan chức trước đó suy đoán về các nguồn có thể gây bùng phát dịch bao gồm công nhân Trung Quốc và khách hành hương từ Pakistan, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki hôm 23.2 cho biết, dịch COVID-19 được cho là có liên quan đến một thương nhân từ Qom, người thường xuyên đi lại giữa Iran và Trung Quốc. Thương nhân đã chết vì virus này đã sử dụng các chuyến bay gián tiếp để tránh lệnh cấm các chuyến bay trực tiếp giữa các quốc gia được khuyến cáo vào cuối tháng 1.

Tại sao dịch bệnh ở Iran gây lo ngại đặc biệt?

Mặc dù COVID-19 đã được xác nhận ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục, nhưng sự gia tăng nhanh chóng ở các trường hợp ở Iran - cách xa tâm dịch Vũ Hán - đã thúc đẩy nỗi lo sợ rằng COVID-19 đang trở thành đại dịch toàn cầu.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 22.2 cảnh báo, cửa sổ cơ hội để ngăn chặn COVID-19 trên toàn cầu đang thu hẹp nhanh chóng.

“Những trường hợp mà chúng ta thấy ở phần còn lại của thế giới, mặc dù con số rất nhỏ, dù không liên quan đến Vũ Hán hay Trung Quốc, nhưng nó rất đáng lo ngại” - theo ông Tedros Adomom Ghebreyesus. 

Ít nhất 2 người, 1 phụ nữ Canada ở độ tuổi 30 và 1 phụ nữ 45 tuổi ở Lebanon, đã xét nghiệm dương tính với virus bên ngoài Iran sau khi đến nước này. 

Sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Iran cũng xảy ra trong bối cảnh tăng vọt bên ngoài Trung Quốc ở Hàn Quốc và Italia, với lần lượt hơn 800 và 150 bệnh nhiễm.

Tỷ lệ tử vong cao không tương xứng trong các số liệu chính thức của Iran - với khoảng 1/5 trong số những người nhiễm virus này, so với 1/50 ở Trung Quốc - đã được một số chuyên gia coi là dấu hiệu cho thấy số ca mắc bệnh thực sự ở nước này là cao hơn nhiều so với con số hiện tại.

Giả sử tỷ lệ tử vong khoảng 2%, số người chết chính thức cho đến nay sẽ thành khoảng 600 ở Iran, gấp khoảng 10 lần so với hiện tại.

Iran và các nước láng giềng ứng phó với dịch bệnh như thế nào?

Chính quyền Iran đã tạm thời đóng cửa các trường học, trường đại học và các trung tâm giáo dục khác ở 14 tỉnh, phân phát khẩu trang ở các thành phố bị ảnh hưởng, hủy bỏ các buổi hòa nhạc và biểu diễn văn hóa, và cấm khán giả tham gia các sự kiện thể thao, theo truyền thông nhà nước.

Tại Tehran, các quan chức đã tuyên bố khử trùng hàng ngày các chuyến tàu điện ngầm và xe buýt.

Các quan chức y tế cũng cho biết họ đang xét nghiệm gần 750 người tại các bệnh viện trong nước với các triệu chứng giống như cúm đối với virus này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn