MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiệm vàng ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Lý do giá vàng cao kỷ lục nhưng thế giới vẫn đổ xô mua vào

Linh Nhi LDO | 23/01/2024 07:37

Giá vàng cao kỷ lục khó có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng khi năm bầu cử ở châu Á sắp đến và căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng.

Giá vàng tăng liên tục suốt cả năm 2023 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Nhu cầu về vàng có thể tăng mạnh nữa trong năm 2024 khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra trên khắp châu Á, và các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng mua tài sản trú ẩn an toàn.

Giá vàng đã tăng 15% trong năm 2023 và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.135,39 USD/ounce vào tháng 12, do căng thẳng địa chính trị ở Gaza và Ukraina, cũng như hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất.

Từ Indonesia đến Ấn Độ, các nền dân chủ đông dân nhất thế giới ở châu Á sẽ tiến hành bầu cử trong năm nay. Đây là khu vực có truyền thống tiêu thụ vàng lớn nhất. Mỹ cũng sẽ nằm trong số 70 quốc gia khác tổ chức bầu cử.

“Tất cả các cuộc bầu cử đều quan trọng. Nhưng một số cuộc bầu cử có khả năng ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới nhiều hơn những cuộc bầu cử khác” - SCMP dẫn lời Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu các Ngân hàng Trung ương thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết.

Trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái, nhu cầu vàng ở nước này đã tăng lên do sự bất ổn chung gây ra sự biến động của đồng nội tệ lira, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp - ông Fan cho biết, giải thích việc các cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng đến việc mua vàng như thế nào.

Nhưng ông nói thêm, giá vàng toàn cầu được xác định bởi một số yếu tố và cuộc bầu cử như cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một yếu tố.

Giá vàng tăng 15% trong năm 2023. Ảnh: Shutterstock

Căng thẳng địa chính trị đã giữ giá vàng trên mức 2.000 USD ngay cả trong năm nay, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tràn sang Biển Đỏ do bạo lực giữa các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn và lực lượng Houthi ở Yemen.

Mỹ đã đưa Houthi trở lại danh sách các nhóm khủng bố, khi lực lượng này tấn công tàu thứ hai của Mỹ trong tuần qua.

Ông Shaokai Fan bình luận: “Căng thẳng quốc tế và sự bất ổn địa chính trị tác động mạnh đến giá vàng, xét về mức độ tăng đột biến trong ngắn hạn”.

Việc phương Tây đóng băng 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã gây ra làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương để đa dạng hóa dự trữ.

Theo ông Fan, cuộc chiến Israel - Hamas có thể không ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng, nhưng nó có thể gây chấn động thị trường nếu diễn ra lâu hơn.

“Nếu những xung đột này trở nên trầm trọng hơn, sẽ có nhiều quốc gia tham gia hơn và bức tranh toàn cầu sẽ ngày càng trở nên bất ổn, từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá vàng. Chúng ta đã thấy Iran bắn tên lửa vào Pakistan. Và bây giờ, có nhiều hành động hơn ở Biển Đỏ chống lại lực lượng Houthi” - ông Fan nói.

Bên cạnh đó, kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay có thể thúc đẩy nhu cầu vàng hơn nữa. Theo ông Fan, nhìn chung lãi suất thấp hơn sẽ loại bỏ những trở ngại đối với vàng, khiến nhiều người cân nhắc chuyển sang vàng hơn.

Vàng thường có mối tương quan nghịch với đồng USD, tuy nhiên, lãi suất cao hơn trong một năm rưỡi qua không khiến giá vàng giảm, bởi căng thẳng địa chính trị đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.

Quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc cũng có khả năng duy trì mua vàng bất chấp sự phục hồi kinh tế chậm chạp. Nhu cầu vàng của người dân Trung Quốc trong cả năm 2023 vẫn khá cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn