MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một giáo sư Đại học Stockholm thực hiện các phép đo trên đỉnh cao nhất của Thụy Điển Kebnekaise. Ảnh: AFP

Lý do khiến đỉnh núi cao nhất Thụy Điển sụt giảm độ cao

Thanh Hà LDO | 23/08/2021 15:57
Kebnekaise, ngọn núi cao nhất của Thụy Điển, đang biến đổi khi đối mặt với sự nóng lên không ngừng của Trái đất.

Thêm bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến những ngọn núi di chuyển và bị hạ thấp độ cao, các nhà nghiên cứu cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, đỉnh phía nam của Kebnekaise, từ lâu nổi tiếng là điểm cao nhất ở Thụy Điển, đang hạ độ cao ở mức chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua. 

Đỉnh núi phía nam băng giá, được gọi là Sydtoppen, cao tới 2.120m so với mực nước biển vào năm 1968. Đây là thời điểm các phép đo theo chu kỳ nửa năm một lần được khởi động. 

Sau đó, độ cao của đỉnh Sydtoppen dao động do một loạt điều kiện thời tiết và khí hậu, bao gồm cả các yếu tố lượng mưa. Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1990, dữ liệu về độ cao của đỉnh núi này có xu hướng đi xuống rõ ràng. 

Năm 1996, đỉnh phía nam ở độ cao 2.118m, nhưng đã giảm xuống 2.110m vào năm 1998. Năm 2011, Sydtoppen giảm xuống dưới 2.100m - ở mức 2.099,7m - và kể từ đó xu hướng này tiếp tục.

Đến năm 2018, đỉnh Sydtoppen mất danh hiệu là điểm cao nhất của Thụy Điển vào tay đỉnh phía bắc của Kebnekaise, nơi có nhiều đá và ổn định, không có bất kỳ sự dao động về độ cao nào do sự thay đổi của lớp tuyết phủ. 

Việc giảm độ cao của Sydtoppen vẫn không ngừng lại. Các phép đo mới do các nhà nghiên cứu Đại học Stockholm thực hiện cho thấy Sydtoppen đang ở độ cao 2.094,6m so với mực nước biển, Science Alert đưa tin ngày 23.8. 

“Sự thay đổi độ cao là một biểu tượng rõ về phản ứng của băng hà với khí hậu nóng lên ở Thụy Điển" - nhà băng học Per Holmlund từ Trạm nghiên cứu Tarfala của Đại học Stockholm cho biết. 

Trong nghiên cứu mới, trình bày chi tiết lịch sử quan sát độ cao và những thay đổi của băng hà tại Kebnekaise, các nhà nghiên cứu nói rằng, dữ liệu cho thấy "sự định hình lại phức tạp của khối lượng ở đỉnh" và mức thấp kỷ lục đang được ghi nhận đại diện cho "sự khởi đầu của một tình huống có vấn đề mới" với du khách. Thêm vào đó, dữ diệu cũng có thể báo trước cho tương lai của các sông băng ở Thụy Điển về dài hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn